Trong các năm 2014 và 2015 các huyện, thành phố và các trường học thuộc phạm vi thực hiện Đề án đã bước đầu triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án; Sở Giáo dục - Đào tạo được giao là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện Đề án đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các đơn vị trường học thực hiện Đề án; UBND tỉnh đã hoàn thành việc chuyển đổi trường THPT bán công Ninh Bình thành trường THPT công lập Ninh Bình - Bạc Liêu; hoàn thành việc giải thể Trung tâm Tin học và ngoại ngữ, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và dạy nghề tỉnh để thành lập Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ và Hướng nghiệp tỉnh; Triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình; giao Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện tốt các chỉ tiêu của Đề án về quy mô trường, lớp, học sinh; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án báo cáo HĐND tỉnh. Tuy nhiên, qua hai năm thực hiện Đề án, cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc: Một số trường mầm non, tiểu học, THCS tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp đang có quy mô số lớp và số học sinh/lớp vượt định mức nêu ra trong Đề án, diện tích đất trung bình/học sinh thấp hơn quy định.
UBND thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp đã đề xuất giải pháp mở rộng một số trường quy mô lớn; chia tách hoặc thành lập thêm một số trường mầm non, tiểu học tại các khu vực đông dân cư, tuy nhiên do điều kiện kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn khó khăn nên các địa phương chưa thể triển khai thực hiện trong năm 2015.
Việc bố trí quỹ đất mở rộng hay xây mới một số trường học tại thành phố Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các khu vực đông dân cư cần mở rộng hoặc xây mới thường rất khó trong việc bố trí quỹ đất lớn phục vụ xây dựng trường học.
Việc xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao còn nhiều vướng mắc do thiếu văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, mô hình cụ thể, thiếu hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đặc biệt là thiếu kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học.
Để việc thực hiện Đề án đạt kết quả cao, năm 2016 UBND tỉnh có kế hoạch chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả trên địa bàn.
Chỉ đạo các địa phương căn cứ vào danh mục trường học các cấp đã được lựa chọn xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao, tích cực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, có giải pháp đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện để từng bước xây dựng mô hình trường trọng điểm chất lượng cao đảm bảo hoàn thành trong năm 2016.
Các địa phương tiến hành sáp nhập các trường THCS quy mô nhỏ dưới 5 lớp nhằm đáp ứng yêu cầu theo quy định và phục vụ việc học tập tốt nhất cho người học, đảm bảo việc sáp nhập hoàn thành trong năm 2016. Xây dựng mới hoặc xây dựng bổ sung cơ sở vật chất cho các trường THCS sau sáp nhập.
Yêu cầu UBND thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp có giải pháp tích cực để triển khai mở rộng một số trường trên địa bàn thành phố Ninh Bình như: Mầm non Đông Thành, THCS Lý Tự Trọng, THCS Trương Hán Siêu, THCS Lê Hồng Phong; mở rộng chia tách hoặc thành lập thêm một số trường tiểu học mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình như: Tiểu học Lý Tự Trọng, Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Tiểu học Thanh Bình và thành phố Tam Điệp (Tiểu học Lê Lợi, Tiểu học Trần Phú) để kịp thời giải quyết vấn đề tăng dân số do đô thị hóa, đồng thời thực hiện đúng yêu cầu và kế hoạch của Đề án.
Tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất (trong đó có đất xây mới và mở rộng trường học), bố trí kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học để thực hiện các mục tiêu của Đề án.
Đỗ Bằng