Không phải đến bây giờ mà trong những năm vừa qua các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ thị xã đến cơ sở ở thị xã Tam Điệp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều giải pháp tích cực trong việc triển khai chương trình xóa đói, giảm nghèo bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực sẵn có. Bằng nhiều kênh vốn của các tổ chức Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội CCB, vốn tự có, vốn vay Ngân hàng, vốn liên doanh, liên kết... Các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị xã đã đầu tư có hiệu quả vào nhiều dự án trồng trọt chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Nhiều hộ gia đình đã tự vươn lên thoát nghèo do đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở thị xã. Nếu đầu năm 2006 (theo tiêu chí mới) trên địa bàn thị xã có 1.162 hộ nghèo, bằng 8,97% thì đến 31/12/2006 số hộ nghèo giảm xuống còn 865 hộ, tỷ lệ 6,25%, đến cuối năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,74% giảm 0,51% so với năm 2006. Đây là kết quả bước đầu trong thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại đó là: cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong thị xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xóa đói, giảm nghèo. Một số hộ thoát nghèo song chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo ở một số xã còn cao. Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian qua, UBND thị xã Tam Điệp đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án giảm nghèo đến năm 2010 trên địa bàn thị xã, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để thoát nghèo đối với 2 xã nghèo trọng điểm là Yên Sơn và Đông Sơn đã được UBND tỉnh xác định. Đề án giảm nghèo đến 2010 đã trình và được HĐND thị xã có Nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10, khóa VI. Theo đó, xã Đông Sơn được hỗ trợ vốn trồng cây đào phai, cây lạc tiên, cây ớt, cây cà chua xuất khẩu; xã Yên Sơn được hỗ trợ giống cây ngô ngọt trồng để cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, ngô chịu hạn, giống cây mây và trồng nấm rơm, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu cho hộ nghèo làm lúa tái sinh. Về con nuôi, xã Đông Sơn được đầu tư mô hình nuôi hươu, nhím, gà thả vươn, thỏ Niuzilân; xã Yên Sơn được hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò sinh sản, đàn vịt hộ gia đình, nuôi cá trên đất 2 lúa. Về phát triển ngành nghề: hỗ trợ 2 xã phát triển nghề đan, dệt chiếu cói, nghề nứa chắp sơn mài xuất khẩu, nghề tăm hương.
Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng: Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp chợ xã Đông Sơn, Yên Sơn mỗi chợ 200 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 50%, thị xã hỗ trợ 50%; xã Đông Sơn được đầu tư 10 giếng khoan cho 3 thôn khó khăn về nước nhất với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 50%, thị xã Tam Điệp hỗ trợ 20%, xã hỗ trợ 10% và nhân dân đóng góp 20%; hỗ trợ làm nhà ở cho 39 hộ nghèo chia ra mỗi năm hỗ trợ 13 hộ với kinh phí 5 triệu đồng/hộ.
Ngoài các mức hỗ trợ cụ thể nêu trên, UBND thị xã còn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đủ tư cách pháp nhân tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và khuyến khích hỗ trợ để người nghèo đi xuất khẩu lao động (mỗi năm thị xã có từ 100 - 150 người) trong đó 2 xã nghèo mỗi xã có ít nhất từ 20 lao động xuất khẩu. Về vay vốn đi lao động xuất khẩu; mức vay cụ thể theo quy định của UBND tỉnh; được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu 1 triệu đồng/người, khoản tiền này được cấp trực tiếp cho đơn vị đào tạo và đưa người đi lao động xuất khẩu. Về chính sách tín dụng đối với người nghèo: Căn cứ vào nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của các hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường tuyên truyền công khai chính sách, thủ tục, điều kiện vay vốn đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể có liên quan kiểm tra, giám sát, sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để có vốn đầu tư quay vòng.
Để thực hiện thắng lợi Đề án giảm nghèo đến 2010 trên địa bàn thị xã nói chung và trọng tâm là 2 xã nghèo nói riêng đã được tỉnh xác định; UBND thị xã đã giao cho phòng Kinh tế thị xã phối hợp với UBND các xã, phường thuộc diện hỗ trợ xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nuôi trồng thủy sản, cây nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ. Đối với 2 xã nghèo, UBND xã chủ trì phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội CCB tổ chức thực hiện có hiệu quả các danh mục được đầu tư; giao cho phòng quản lý đô thị phối hợp với UBND xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn UBND xã triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng trong Đề án giảm nghèo của tỉnh đối với 2 xã nghèo của thị xã. Thiết kế, thẩm định, giám sát đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn 2 xã Yên Sơn và Đông Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phối hợp với UBND xã sử dụng đúng mục đích nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục công trình theo quy định.
Vũ Bình