Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,3 triệu USD, đạt 118,9% kế hoạch, tăng 22,7% so với năm 2009, tăng gấp trên 3,7 lần so với năm 2005 và vượt trên 60% chỉ tiêu xuất khẩu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh được củng cố và mở rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 40 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu của Ninh Bình đã tiêu thụ được ở thị trường của trên 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong năm, có trên 18 mặt hàng được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng khá như: Công ty TNHH Great Global đạt 19 triệu USD; Công ty nhựa quốc tế đạt 2,5 triệu USD; Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao đạt 4 triệu USD; Công ty May xuất khẩu Ninh Bình đạt 6 triệu USD; Công ty TNHH TCMN Đông Thành đạt 3,6 triệu USD; Công ty CP ĐT XNK Ninh Bình đạt 6 triệu USD.
Đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để hướng tới mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 30,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD đến năm cuối nhiệm kỳ, trong thời gian tới cần tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp… để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch, đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nhựa. Tiếp tục quy hoạch và hoàn thiện đầu tư hạ tầng thủy lợi, đường giao thông các vùng nguyên liệu cói, dưa, ngô ngọt, dưa bao tử để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc; hạ tầng hệ thống phân phối trên địa bàn gồm hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và phát triển thương mại nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển xuất khẩu. Đẩy mạnh đầu tư và khai thác có hiệu quả cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình để tăng kim ngạch xuất khẩu tại chỗ.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xác nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, thời gian quyết toán thuế, nhất là nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Tiến hành rà soát khả năng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu. Tổ chức tập huấn phổ biến nội dung các cam kết quốc tế để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề cho lao động làm hàng xuất khẩu từ nguồn đào tạo nghề của ngân sách các cấp, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí 2 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; hỗ trợ doanh ngiệp xây dựng thương hiệu trực tuyến, nâng cấp, duy trì trang Website xuất khẩu tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ là mặt hàng thế mạnh của tỉnh. Từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh trên thị trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả của hoạt động xuất khẩu tỉnh. Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng phát triển tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội ngành hàng trong việc thu nhập, phân tích và xử lý thông tin về thị trường, yêu cầu của nhà nhập khẩu, các chính sách nhập khẩu để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tổ chức sản xuất và xuất khẩu. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Trang bị và khai thác hiệu quả tiện ích của công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, nằm bắt nhu cầu khách hàng, tiết kiệm chi phí hạ giá thành sản phẩm. Không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế để sẵn sàng đối phó với các rào cản thương mại quốc tế. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại… nhằm thúc đẩy hoạt xuất khẩu của ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra và sớm đưa Ninh Bình trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thảo Ngọc