Nhận thức rõ vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình, ngày 21-2-2005, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/T.Ư về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Ở tỉnh Ninh Bình, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư, công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể, các gia đình đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện chức năng của mình. Những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển KT- XH của địa phương, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.
Tuy nhiên, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Việc quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, các chính sách đối với gia đình và công tác gia đình chưa được rộng khắp và thường xuyên; tình trạng ly hôn, ly thân, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình xuất hiện ngày càng nhiều; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra... Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí và vai trò của gia đình còn hạn chế. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức việc chỉ đạo công tác gia đình; công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được chú trọng thường xuyên...
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình, ngày 9-5-2011, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) đã ban hành Thông báo Kết luận số 26 về việc sơ kết Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã và đang tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thông báo Kết luận số 26 của Ban Bí thư ở các cấp, các ngành. Thông qua đợt quán triệt, tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình và công tác gia đình, đầu tư xây dựng gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững đối với từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, toàn xã hội và quốc gia. Cùng với tổ chức quán triệt thông báo của Ban Bí thư, các cấp, các ngành chức năng cần triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách về gia đình và công tác gia đình đến toàn dân, giúp người dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về gia đình. Tăng cường sự phối hợp, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng gia đình thời kỳ CNH - HĐH, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Minh Châu