Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2022, ngành Nông nghiệp & PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển.
Theo đó, trong năm, giá trị gia tăng toàn ngành đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), lũy kế đến nay toàn quốc có trên 6 nghìn xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 73,06%; 937 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 110 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới.
Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp & PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu, như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
Đối với tỉnh Ninh Bình, năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 9.700 tỷ đồng, tăng 3,1% so với năm 2021, gấp 1,5 lần so với kế hoạch. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng và đạt những cột mốc mới. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 150 triệu đồng, tăng 5,1 triệu đồng so với năm 2021. Xây dựng NTM hoàn thành kế hoạch đề ra.
Đến nay, Ninh Bình đã có 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Kim Sơn đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình các sở, ngành của tỉnh thẩm tra các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM trong thời gian tới.
Trong năm 2023, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt từ 2% trở lên, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt từ 153 triệu đồng; huyện Kim Sơn đạt chuẩn NTM, 16 xã đạt NTM nâng cao, 4 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, đặc biệt là của ngành Nông nghiệp, các địa phương và sự quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong năm 2022.
Thủ tướng nhấn mạnh, trải qua những thăng trầm, ngành Nông nghiệp càng ngày càng khẳng định rõ vai trò là trụ đỡ. Nông nghiệp đã và đang góp phần giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đáng mừng đó, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại mà ngành Nông nghiệp cần sớm khắc phục đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững; chưa gỡ được thẻ vàng của EC liên quan đến vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu, bước sang năm 2023, ngành Nông nghiệp và các địa phương phải đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động. Nắm chắc tình hình thực tiễn từ đó sáng tạo, linh hoạt trong điều hành.
Thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Gắn sản xuất với thị trường, sản xuất với chế biến, sản xuất với chuỗi giá trị gia tăng. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản. Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của sự phát triển.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ngành Nông nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để đảm bảo đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nhất là cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhân rộng mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.
Trong xây dựng NTM cần khắc phục được khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn.
Về mục tiêu cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, công chức. Có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng NTM. Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng,
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; xây dựng NTM phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền.
Thủ tướng tin rằng, ngành Nông nghiệp năm 2023 và thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, nước ta trở thành nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Nông dân sẽ sống được bằng nông nghiệp, ngày càng giàu có, văn minh hơn.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn