Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của LHQ đối với Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu liên quan dinh dưỡng và sức khỏe; khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hết sức coi trọng, quan tâm vấn đề dinh dưỡng nhằm đẩy mạnh việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ, góp phần cải tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bà G.Vơ-bớc chúc mừng Việt Nam đã có nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan vấn đề dinh dưỡng, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam dành cho vấn đề dinh dưỡng và đây là tiền đề để Việt Nam phát triển thành công lĩnh vực này. Trong hai văn kiện quan trọng nêu trên, LHQ nhận thấy đều có những chi tiết quan trọng, vạch ra hướng thực hiện giữa các bộ, ngành, đơn vị nhằm cải thiện dinh dưỡng. Điều đó cho thấy tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong vấn đề dinh dưỡng. Bà kiến nghị, dinh dưỡng phải là vấn đề xuyên suốt trong nghị trình của Chính phủ, sự cam kết chặt chẽ của các bộ, ngành, từ đó Việt Nam mới thực hiện được các Mục tiêu Phát triển bền vững… Nhất trí với ý kiến của bà G.Vơ-bớc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của LHQ trong vấn đề dinh dưỡng.
Trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển bền vững thì Việt Nam luôn là nước đi đầu. Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã có Nghị quyết về vấn đề dinh dưỡng; Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về vấn đề này. Công tác dinh dưỡng được triển khai quyết liệt và nghiêm túc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhiều chương trình như sữa học đường, phổ cập cơ cấu bữa ăn cho người dân, chống béo phì... được triển khai tốt. Các cấp, các ngành vào cuộc đồng bộ, nhất là quan tâm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chính phủ cũng có những cơ chế, chính sách, chương trình nhằm cải thiện dinh dưỡng, thể chất cho đồng bào dân tộc thiểu số; coi trọng sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc tăng cường dinh dưỡng. Thủ tướng nhất trí rằng, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vấn đề chống thấp, còi; sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của LHQ; mong LHQ hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm trong vấn đề này và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về dinh dưỡng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển bền vững.
Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, qua bà G.Vơ-bớc, Thủ tướng gửi đến Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất; mong bà G.Vơ-bớc tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề liên quan dinh dưỡng.
* Chiều 31-1, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai công tác thuế năm 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực, kết quả của ngành thuế đạt được trong năm qua, đồng thời cũng chỉ ra một số bất cập, cần khắc phục của ngành.
Đề cập nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của ngành cần giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN); phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so dự toán Quốc hội giao. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; bảo đảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi NSNN.
Cho rằng những mục tiêu này là rất nặng nề, đòi hỏi cơ quan thuế cả nước phải có những giải pháp cụ thể, đơn vị thực hiện cụ thể và trách nhiệm cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo: tiếp tục hiện đại hóa ngành thuế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu khai thuế, nộp thuế, quản lý thuế, từng bước giảm dần sử dụng tiền mặt. Tổng cục Thuế phải dành nhiều thời gian nghiên cứu chiến lược cải cách chứ không phải chỉ lo xử lý sự vụ. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ...
Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thuế cần tham mưu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập. Bảo đảm chính sách được xây dựng ổn định, toàn diện, có sức sống, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chính sách phải lấy người nộp thuế làm trung tâm, đối tượng phục vụ, quan tâm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Khi thiết kế chính sách thuế chú trọng mở rộng cơ sở thuế thay vì tăng thuế suất ngay cả khi bắt buộc phải tăng thuế suất thì phải kết hợp hài hòa với mở rộng cơ sở thuế. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng đề nghị ngành thuế tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết, làm sao ngay sau Tết phải thúc đẩy sản xuất, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về thuế.
Nguồn: PV/nhandan.com.vn