Về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Thạch, TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Gia Viễn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra công trình đập tràn Lạc Khoái. Ảnh: Đức Lam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra công trình đập tràn Lạc Khoái và đi ca-nô trên sông Hoàng Long để nắm bắt tình hình lũ. Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo nhanh với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác về diễn biến mưa lớn gây ngập, úng trên địa bàn toàn tỉnh cùng với lưu lượng nước đổ về từ thượng nguồn xuất hiện lũ lớn trên sông Hoàng Long.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Gia Viễn và vùng phụ cận từ đêm ngày 9/10 đến ngày 11/10 đã có mưa to đến rất to, kèm theo giông gió. Tổng lượng mưa đo được đến hết ngày 11/10 là trên 400 mm, riêng ngày 11/10 lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện đạt khoảng 180 mm... đã gây ra tình trạng ngập úng nội đồng và xuất hiện lũ lớn trên sông Hoàng Long với nước từ Hưng Thi (Hòa Bình) đổ về.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, việc đầu tư cho các công trình thủy lợi trong những năm qua đã và đang phát huy tác dụng. Trong hai ngày qua, đỉnh lũ tại Bến Đế đạt ngưỡng 5,53m, cao nhất từ năm 1985 đến nay, song vẫn chưa phải xả tràn ảnh hưởng đến 12 xã của huyện Gia Viễn và Nho Quan.
Khi mức nước còn đang ở mức cao, diễn biến thời tiết rất khó lường, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã và tiếp tục chỉ đạo các lực lượng xung kích túc trực, sẵn sàng cho việc ứng phó tại đập tràn Lạc Khoái. Nếu phải xả tràn sẽ ảnh hưởng đến 15.000 hộ dân (khoảng 60.000 nhân khẩu).
Đồng thời huy động các lực lượng xung kích (gần 3.000 người) gồm: bộ đội, công an, dân quân tự vệ địa phương, các hội ban ngành, cùng nhiều phương tiện xe máy… tham gia trực ban tại đập tràn Lạc Khoái. Đến 10 giờ 30 phút sáng ngày 12/10, mực nước tại bến Đế đã hạ thấp, còn 5m49.
Theo báo cáo sơ bộ của huyện Gia Viễn, mưa lũ đã làm cho 1.700 ha lúa của huyện bị ngập úng, có 200 ha bị mất trắng; gần 154 ha rau màu bị dập nát; 520 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng; lũ cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm; 853 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 600 ngôi nhà ở thôn Kênh Gà bị ngập hoàn toàn…
Trước đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phát lệnh di rời 4.000 dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng và 6.000 dân tại các vùng lân cận.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, xử lý tình huống nguy cấp do thiên tai gây ra trong hai ngày qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bằng mọi biện pháp đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân. Ảnh: Trường Giang
Thủ tướng nhấn mạnh: Thời tiết còn xấu, mặt nước trên đê đã dâng cao, nguy hiểm vẫn còn rình rập, vì vậy yêu cầu các cấp, ngành ở Ninh Bình cần theo dõi chặt chẽ, sát sao diễn biến của thời tiết; tiến hành kiểm tra kỹ thân đê, đề phòng tình trạng vỡ đê; tổng huy động các lực lượng vũ trang giúp nhân dân thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ mùa.
Bên cạnh đó cần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tổ chức trực ban 24/24, cắm chốt tại các vị trí trọng yếu, không được mất cảnh giác; khi cần thiết, nguy cấp phải ra lệnh cưỡng chế di dân, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân…
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cảm ơn sự quan tâm sâu sát của các bộ, ngành Trung ương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cam kết, tỉnh Ninh Bình sẽ nỗ lực để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương.
Thái Học-Minh Đường