Thủ tướng Chính phủ chủ trì Lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Thứ Bảy, 19/04/2025, 11:42
Zalo
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát các hạng mục của Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mới khánh thành và đi vào hoạt động. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cùng dự tại điểm cầu chính có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương...
Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP. Hồ Chí Minh đến tất cả các công trình, dự án. Đây không chỉ là biểu tượng của sự phát triển đổi mới mà còn là tấm lòng tri ân sâu sắc gửi đến các thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Dịp này có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành với tổng vốn đầu tư hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.
Tại điểm cầu Ninh Bình, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ khánh thành dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) và Khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình).
Các đại biểu dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình) tại điểm cầu Ninh Bình.
Tới dự có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020-2025; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương liên quan.
Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công các công trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đây là sự kiện chưa từng có, tính chất rất đặc biệt, không chỉ là biểu tượng của sự phát triển đổi mới mà còn là tấm lòng tri ân sâu sắc gửi đến các thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cách đây 50 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, hòa bình của cả dân tộc, làm cho mọi người, mọi nhà thỏa lòng mong ước sau nhiều năm kháng chiến, kiến quốc anh dũng mà kiên cường; hy sinh, mất mát nhưng đầy kiêu hãnh và tự hào.
Hành trình 50 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang 95 năm của Đảng, 80 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, đã chứng minh “Đảng ta không ngừng trưởng thành và càng trở nên vĩ đại hơn, đất nước ta không ngừng lớn mạnh, giàu đẹp và tự cường, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao”. “Nhìn lại để tiến xa hơn, nhìn lại để trở nên mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn, cùng hướng tới tương lai với hào khí, niềm tin và động lực mãnh liệt, sắt son, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của đất nước ta”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Và để đạt mục tiêu đó, một trong ba đột phá chiến lược đó là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là phấn đấu thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm. Chúng ta ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế để tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tiếp theo; tập trung sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, hóa giải mọi khó khăn, điểm nghẽn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành sớm các dự án trọng điểm ngay trong năm 2025 như: Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I; Nhà ga T3 Nội Bài; Sân bay Gia Bình (Bắc Ninh); Trung tâm triển lãm quốc gia Hà Nội; hoàn thành, đưa vào khai thác trên 3.000 km đường bộ cao tốc trải dài trên khắp các vùng miền của đất nước; cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa…; tăng tốc khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Cảng biển Hòn Khoai (Cà Mau), Cần Giờ, Liên Chiểu; dự kiến khởi công Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026… Đây là những công trình mang tính chất “xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái” hạ tầng chiến lược của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành hôm nay trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính biểu tượng góp phần định vị hình ảnh Việt Nam, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, công nhân, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các địa phương ở cả 3 miền đất nước, đã tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để đưa các dự án vào vận hành, khai thác trong thời gian qua và ngày hôm nay. Đặc biệt cảm ơn bà con Nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đã tình nguyện nhường đất, dời nhà, di chuyển nơi ở, nơi thờ tự… để triển khai thực hiện các dự án.
Với tinh thần “đã cố gắng thì càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm thì càng quyết tâm cao hơn nữa; đã hiệu quả rồi thì càng hiệu quả hơn nữa” để phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao trùm, toàn diện.
Đối với các công trình, dự án khởi công ngày hôm nay, Thủ tướng yêu cầu Chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Các địa phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng. Quá trình triển khai dự án, Thủ tướng đề nghị thực hiện “3 có, 2 không”, trong đó có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của người dân, có lợi ích của doanh nghiệp; không tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của Nhân dân.
Với tinh thần “thần tốc, táo bạo” của những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức tuyên bố khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn, quan trọng của Trung ương và các địa phương trên cả nước trong năm 2025.
Trong thời khắc này, các đại biểu tại 2 điểm cầu Ninh Bình đã thực hiện nghi thức khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và cắt băng khánh thành Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I).
Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.Các đại biểu cắt băng khánh thành Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I).
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình là công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Dự án có điểm đầu tại nút Mai Sơn giao với đường cao tốc Bắc - Nam thuộc xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô; điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Đáy thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh. Tổng chiều dài khoảng 25,3 km, với tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024-2026.
Sau khoảng 1 năm từ khi được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan chủ quản, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện và hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục: quyết định chủ trương đầu tư; đấu thầu tư vấn lập dự án; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án; đấu thầu lựa chọn tư vấn và tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật; lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn xong nhà thầu, đến nay Dự án tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình chuẩn bị đủ các điều kiện để tổ chức Lễ khởi công.
Phương tiện máy móc sẵn sàng thi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.Phối cảnh thiết kế tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Đối với Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I), đây là một trong những dự án được lựa chọn khởi công chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022) vào ngày 27/3/2022.
Dự án có chiều dài gần 23km với tổng mức đầu tư 1.913,754 tỷ đồng; khối lượng thi công đặc biệt lớn, tổng khối lượng đào khoảng 1,45 triệu m3; tổng khối lượng đắp khoảng 1,95 triệu m3, xây dựng mới 4 cầu. Phạm vi GPMB địa bàn thành phố Tam Điệp có chiều dài 6,627 km, số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng là 178 hộ. Phạm vi GPMB địa bàn huyện Nho Quan có chiều dài 16,32 km; diện tích đất bị ảnh hưởng 121,44 ha; số hộ gia đình bị ảnh hưởng là 812 hộ.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tinh Ninh Bình (giai đoạn 1) đã hoàn thành.
Đến nay, qua 36 tháng thi công, dự án đã hoàn thành các hạng mục chính, đủ điều kiện khánh thành đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế và đi lại của nhân dân, rút ngắn được 20 tháng so với tiến độ dự án được phê duyệt.
Các dự án trên sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nối vùng, liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Ninh Bình và cả vùng Đồng bằng sông Hồng.