Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo một số sở ngành và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho biết: Đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã chiếm khoảng 7% tổng tài sản, 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh.
Xét về hiệu quả sản xuất, kinh doanh: Doanh thu của khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân là 3%); lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân là 1%). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%, trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước 1,26%.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước. Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng.
DNNN có vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đồng thời DNNN cũng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích… Ngoài ra, việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; tạo cơ hội kinh doanh cho các thành phần kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, thực tế khu vực DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo chưa cao; việc thực hiện tái cơ cấu còn mang tính hình thức.
Tại tỉnh Ninh Bình, hiện nay có 6 doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý, trong đó có 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và 3 doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước. Theo đánh giá, hàng năm, hầu hết các doanh nghiệp đều kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Riêng Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn hàng năm kinh doanh lỗ, số lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6/2021 là hơn 146 tỷ đồng. Về việc thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN: Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trên cơ sở phương án cơ cấu lại đã được UBND tỉnh phê duyệt các doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa theo quy định, dự kiến hoàn tất vào quý I/2023; đối với 3 doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, tỉnh đang đề nghị thay đổi phương án từ thoái hết 100% sang tiếp tục duy trì một phần vốn Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN và các tồn tại, hạn chế trong doanh nghiệp… Từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Nguyễn Lựu