Tham quan mô hình của vợ chồng anh Nhất và chị Thúy, chúng tôi rất ấn tượng với cách đầu tư bài bản, từ việc bố trí, sắp xếp các khu sản xuất đến hệ thống trang thiết bị hiện đại ứng dụng trong mô hình.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình, anh Vũ Hồng Nhất cho biết: Trước đây, tôi từng nhiều năm làm việc tại một vườn trồng hoa lớn ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy tôi nắm khá vững kỹ thuật trồng và chăm sóc các loài hoa thương phẩm. Khi trở về quê hương lập nghiệp, với kinh nghiệm đã tích lũy được, tôi quyết chí xây dựng mô hình trồng hoa thương phẩm của riêng mình.
Được sự đồng thuận của cả chồng và vợ, bắt đầu từ tháng 6/2019, gia đình anh Nhất thuê gần 1 ha đất tại thôn Đá Hàn (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn) và cải tạo hơn 4.000m2 đất thành vườn trồng hoa. Định hướng là xây dựng một mô hình trồng hoa theo hướng công nghệ cao nên anh mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà kính, chiếu sáng và tưới nước hiện đại.
Anh Nhất cho biết: Điều kiện thời tiết ở miền Bắc nói chung và Ninh Bình nói riêng khá khắc nghiệt, mùa hè thì nắng nóng với nhiệt độ cao, mùa đông thì mưa rét, gây ra rất nhiều khó khăn cho những người trồng hoa. Vì vậy, tôi học theo cách trồng hoa ở Đà Lạt, xây dựng hệ thống nhà kính để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến cây hoa.
Ngoài ra, hệ thống tưới nước tự động sẽ giúp giảm thiểu sức lao động, tiền thuê nhân công. Còn hệ thống chiếu sáng sẽ giúp cây hoa có đủ ánh sáng, nụ không nở sớm và phát triển chiều cao tốt.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa đem lại nhiều cái lợi, song chi phí đầu tư cũng rất lớn. Đến nay, tổng số vốn đầu tư để xây dựng mô hình của tôi đã vượt ngưỡng 4 tỷ đồng.
Cầm trên tay những bông hoa cúc vàng rực rỡ, anh Nhất tiếp tục câu chuyện: Ban đầu tôi trồng thử giống hoa ly, nhưng gặp vấn đề về tiêu thụ nên quyết định chuyển sang trồng giống hoa cúc. Ưu điểm của giống hoa cúc là thu hoạch được từ 3-4 vụ/năm, khả năng tiêu thụ tốt vì là loại hoa được người dân sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Do đó, để đảm bảo khả năng cung cấp hoa cho thị trường, anh Nhất chọn cách trồng gối vụ, đến thời điểm nhất định sẽ tạm dừng và thu hoạch hết vụ hoa, để thời gian cho đất nghỉ và tiến hành cải tạo đất rồi mới tiếp tục trồng vụ mới. Với giá bán trung bình từ 2.000 đồng- 4.000 đồng/bông tùy thời điểm, mỗi năm gia đình anh có thể thu về hàng trăm triệu đồng từ việc bán hoa cúc.
Từ năm 2020, vợ chồng anh Nhất phát triển kinh tế thêm hướng mới là chăn nuôi dê. Được sự hỗ trợ từ tổ chức Đoàn thanh niên, vợ chồng anh được vay 200 triệu đồng với lãi suất thấp. Từ số tiền đó, vợ chồng anh mua dê giống, chăn thả để bán dê thịt. Đến nay, đàn dê của gia đình anh đã phát triển với quy mô 300 con.
Anh Nhất cho biết: Ngoài bán dê thịt với giá trung bình từ 160.000 đồng/kg, tôi còn có thể tận dụng lượng phân dê thải ra để xử lý thành phân bón cho hoa cúc. Vừa giúp giảm thiểu chi phí mà còn đạt hiệu quả cao, vì phân dê là một dạng phân chuồng rất tốt cho cây trồng bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao. Không những thế, phân dê còn bổ sung hàm lượng chất hữu cơ cho đất, tạo độ mùn và góp phần cải tạo đất.
Từ việc trồng hoa cúc và chăn nuôi dê, mỗi năm gia đình anh Nhất thu về khoảng 1 tỷ đồng lợi nhuận, qua đó giúp gia đình anh cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 7 lao động địa phương.
Trước khi chia tay, anh Nhất còn cho biết, luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa và nuôi dê cho thanh niên muốn phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Thái Học