Riêng số thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách, có 12/14 nguồn thu, sắc thuế đạt khá và có tỷ lệ tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; thu thuế doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu doanh nghiệp nhà nước trung ương; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước; thuế thu nhập cá nhân; xổ số kiến thiết; thu cấp quyền khai thác khoáng sản và thu khác ngân sách. Hầu hết các đơn vị thu đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trong đó: thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô đã đạt trên 100% dự toán được giao.
Nguồn thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh toàn tỉnh tuy đạt 98,4% dự toán, nhưng đã tăng 48% so với cùng kỳ, có 6 đơn vị thu đạt mức tăng trưởng cao: Văn phòng cơ quan Cục Thuế tăng 54%; huyện Nho Quan tăng 48%; huyện Yên Khánh tăng 41%; huyện Kim Sơn tăng 35%; thành phố Ninh Bình tăng 10%; thành phố Tam Điệp tăng 7% so với cùng kỳ.
Riêng Cơ quan Cục thuế đảm nhiệm số thu thuế, phí lớn, với dự toán giao là trên 3.534 tỷ đồng, 10 tháng qua đã thu được trên 3.110 tỷ đồng, tuy mới đạt 88% dự toán, nhưng đã tăng 46% so với cùng kỳ. Nguồn thu tiền sử dụng đất: 5 đơn vị là huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Nho Quan và thành phố Ninh Bình đã hoàn thành dự toán; đơn vị khác số thu còn đạt thấp.
Kết quả trên đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành trong công tác thu ngân sách. Đặc biệt là sự nỗ lực cao của tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế Ninh Bình trong thời gian qua.
Tuy vậy, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị tỉnh giao thì nhiệm vụ thu ngân sách năm nay số thu còn lại là rất lớn, Cục Thuế Ninh Bình đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cho chặng "về đích".
Theo đó, tập trung cao nhất cho nhiệm vụ thu ngân sách. Toàn ngành đang nỗ lực cao, khai thác triệt để các nguồn thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu về thuế thuộc mọi lĩnh vực; tập trung nguồn lực thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu thu đã giao. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định rõ nguyên nhân các nguồn thu, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả.
Đối với công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực; đổi mới, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, đặc biệt cần tập trung vào các doanh nghiệp trọng điểm; doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành Thuế các chính sách thuế mới, thủ tục hành chính thuế… để người nộp thuế (NNT) nắm bắt kịp thời. Tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của NNT, tiến hành phân loại nhóm doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực, tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại theo chuyên đề với NNT.
Đối với công tác kê khai và kế toán thuế: Các đơn vị cần tăng cường hơn nữa đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc tự kê khai của NNT, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp (các dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, chuyển nhượng dự án, khai thác tài nguyên khoáng sản, xăng dầu, nhà hàng, khách sạn...), đảm bảo 100% hồ sơ khai thuế được kiểm soát chặt chẽ. Nghiên cứu, báo cáo Tổng cục Thuế những vướng mắc trong công tác hoàn thuế, để xử lý hoàn thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế: Tập trung nhân lực có chất lượng tăng thêm số lượng đoàn cho công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng, nâng cao hiệu quả về mức truy thu bình quân trên mỗi cuộc thanh, kiểm tra. Phối hợp với các đơn vị trong ngành đôn đốc quyết liệt các doanh nghiệp còn nợ tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp…theo Quyết định xử lý qua công tác thanh tra, kiểm tra; số tiền thuế còn phải nộp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đôn đốc nộp ngay vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Đối với công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế: Phòng quản lý nợ và Chi cục Thuế các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ phận có liên quan tập trung rà soát nắm bắt cụ thể số tiền thuế nợ đọng của từng doanh nghiệp; phân tích đánh giá, tìm hiểu về khả năng tài chính của doanh nghiệp để đề ra các giải pháp đôn đốc thu hồi thuế nợ đọng đạt hiệu quả; yêu cầu các đơn vị nộp ngay số tiền thuế còn nợ đọng vào ngân sách Nhà nước.
Thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy trình quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế, chú ý phân công, giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế thu nợ cụ thể đến từng cán bộ làm công tác thu nợ thuế. Phấn đấu đến 31/12/2018, các đơn vị giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách theo quy định.
Để công tác thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, đúng quy trình. Cục Thuế tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ Tài chính; Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 3/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình; Công văn số 4080/TCT-QLN ngày 19/10/2018 của Tổng cục Thuế và Công văn số 3261/CT- QLN ngày 17/10/2018 của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình…Chi cục Thuế các huyện, thành phố cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc thu hồi nợ thuế…
Bài, ảnh: Mạnh Huy