Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Thu ngân sách Nhà nước đạt dấu mốc mới
Nhiều nguồn thu có vai trò then chốt trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh bị sụt giảm. Cùng với đó, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn, miễn một số sắc thuế, phí và lệ phí cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới đến công tác thu ngân sách Nhà nước.
Ngay từ những tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng. Đối với công tác thu ngân sách Nhà nước, nguồn thu bắt đầu giảm mạnh từ quý II khi các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn.
Hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất trong nước cũng như hầu hết thị trường xuất khẩu lớn bị đứt gãy. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất, sản xuất cầm chừng hoặc cắt giảm bớt lao động. Riêng hoạt động du lịch lượng khách du lịch quốc tế, doanh thu hoạt động khách sạn, dịch vụ liên quan đến du lịch giảm mạnh.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch (dịch vụ kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn...) trên địa bàn tỉnh cũng phải tạm ngừng hoạt động. Trước diễn biến trên, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, với việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ giúp doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn do đại dịch như: Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế thu nhập cá nhân, Nghị quyết 116/2020/QH14 giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020... đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách Nhà nước.
Sản xuất đồ chơi trẻ em tại Công ty TNHH Dream Plastic Ninh Bình (Cụm công nghiệp Khánh Thượng, huyện Yên Mô). Ảnh: Giáng Hương
Với mục tiêu nỗ lực thu ngân sách ở mức cao nhất, Ninh Bình đã có những giải pháp chỉ đạo đồng bộ, điều hành quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả, linh hoạt để hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước.
UBND tỉnh đã yêu cầu Cục Thuế, Cục Hải quan phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ kế hoạch cải cách hành chính, phát huy hết dư địa các khoản thu, tăng cường khai thác nguồn thu ngân sách, nhất là các khoản thu từ đất, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; khai thác các nguồn thu khác để bù đắp hụt thu ngân sách Nhà nước. Luôn chú trọng tuyên truyền chính sách thuế và triển khai các chính sách hỗ trợ người nộp thuế giãn, giảm thuế theo các Nghị quyết của Chính phủ, làm tốt công tác cải cách hành chính thuế, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, lắng nghe những phản hồi, ý kiến của người nộp thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các lĩnh vực có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao về thuế, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên, thu ngân sách Nhà nước năm 2020 của Ninh Bình đã đạt kết quả cao, có chuyển biến tích cực về cơ cấu số thu và được đánh giá là năm có số thu cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Theo số liệu báo cáo tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIV (diễn ra từ ngày 7 đến 9/12/2020), tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước đạt 19.100 tỷ đồng, vượt 32,2% dự toán HĐND, tăng 14,8% so với năm 2019.
Trong đó, thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) đạt 9.753 tỷ đồng, vượt 26,6% dự toán và tăng 10,4% so với năm 2019; thu tiền sử dụng đất là 4.100 tỷ đồng, gấp 3,15 lần so với dự toán và tăng 13,2% so với năm 2019; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết là 46,5 tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán và bằng 96,9% so với năm 2019; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 5.200 tỷ đồng, đạt 96,3% dự toán và tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nền kinh tế, thu ngân sách Nhà nước của Ninh Bình vẫn đạt tăng trưởng dương, với nhiều nguồn thu, sắc thuế đạt cao, góp phần bảo đảm nguồn lực cho tỉnh và cả nước thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, Ninh Bình được giao dự toán thu ngân sách 18.620.200 triệu đồng, trong đó thu nội địa hơn 11.980.200 triệu đồng, thu từ hoạt động xuất khẩu 6.440.000 triệu đồng. Những kết quả đạt được của năm 2020 sẽ là tiền đề quan trọng, đồng thời cũng cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm quý để Ninh Bình phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021.