Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn, bám sát sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên và của Thành ủy, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút chủ doanh nghiệp, người lao động đến với tổ chức công đoàn.
Đồng chí Phạm Thị Thu Hương cho biết: Mặc dù chúng ta có Luật Lao động, Luật Công đoàn nhưng không vì thế mà có thể "bắt ép" doanh nghiệp thành lập khi họ đã không có thiện chí với tổ chức công đoàn.
Chúng tôi quan niệm rằng, nếu có bắt ép họ thành lập thì đến khi tổ chức của mình đi vào hoạt động cũng sẽ bị gây khó dễ. Trong khi đó, một số công nhân lao động nhận thức về tổ chức công đoàn còn hạn chế, không muốn tham gia Ban vận động thành lập CĐCS do sợ chủ doanh nghiệp gây khó khăn trong công việc, tạo cớ để sa thải...
Chính vì vậy khi tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn phải thực sự linh hoạt và kiên nhẫn. Để tuyên truyền, giải thích cho chủ doanh nghiệp hiểu được vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, các cán bộ công đoàn phải kiên trì vận động trong nhiều tháng, thậm chí mất nhiều năm mới thành lập được tổ chức công đoàn...
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, LĐLĐ thành phố đã chủ động trong công tác, bám sát nhiệm vụ chuyên môn và Nghị quyết của công đoàn cấp trên để xây dựng kế hoạch thành lập tổ chức CĐCS phù hợp với thực tế. Trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo", tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị.
Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành của thành phố, của tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thông qua đó nắm tình hình sản xuất của doanh nghiệp, những thuận lợi, khó khăn, số lượng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp để người chủ sử dụng lao động thành lập CĐCS. Khi CĐCS được thành lập, LĐLĐ thành phố phân công cán bộ phụ trách đôn đốc, hướng dẫn CĐCS hoạt động, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để doanh nghiệp thấy được lợi ích khi thành lập tổ chức công đoàn và tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động.
Đồng thời hướng dẫn Ban chấp hành CĐCS đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên, tổ chức thăm hỏi, động viên khi đoàn viên gặp khó khăn. LĐLĐ thành phố Ninh Bình đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phong phú, gắn kết quyền và lợi ích chính đáng của người lao động với tổ chức công đoàn.
Các CĐCS cùng với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động đã tích cực tham gia, đề xuất các giải pháp tạo việc làm, bảo đảm chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề..., góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.
Trong công tác phát triển đoàn viên công đoàn, LĐLĐ thành phố đặc biệt quan tâm tới những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nơi có nhiều công nhân trực tiếp lao động. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn thành phố có 762 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có 45 doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên.
Bằng lòng nhiệt tình và trách nhiệm cao, Từ năm 2016 đến 2018, LĐLĐ thành phố Ninh Bình đã thành lập mới được 12 tổ chức CĐCS, phát triển mới 1.578 đoàn viên công đoàn, vượt 300% so với kế hoạch chỉ tiêu mà Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã xây dựng.
Tổ chức công đoàn tiếp tục được củng cố, tạo niềm tin cho CNVC - LĐ, vai trò của tổ chức công đoàn càng được khẳng định, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của công nhân lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong từng cơ quan, doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Mai Lan