Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động, huyện Kim Sơn là một trong những đơn vị có tốc độ hồi phục nhanh sau ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Ông Đỗ Như Phong, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ sản phẩm... của đơn vị đều bị chậm lại, thậm chí là gián đoạn. Trong đó, các đơn hàng xuất đi thị trường Mỹ bị ngưng toàn bộ, riêng hàng đi châu Âu giảm đến gần một nửa.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp đã nỗ lực gấp nhiều lần so với trước đây trong việc mở rộng quan hệ với các đối tác lớn có mảng kinh doanh thương mại điện tử phát triển và ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như H&M, Zara Home, Li&Fung, BSCI, Intertek…. Đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức, đảm bảo các công đoạn sản xuất tinh gọn, khoa học, tiết giảm chi phí cũng như thường xuyên đổi mới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm và quan tâm phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng...
Với chiến lược đề ra và bước đi phù hợp, thời gian qua, Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động vẫn duy trì bình thường các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi tháng, Xí nghiệp xuất đi 10-15 công-ten-nơ hàng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 90 lao động và hàng nghìn lao động vệ tinh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động ở tất cả các lĩnh vực. Trong năm 2020, dịch bệnh Covid -19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, đã và đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của tỉnh, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo việc làm cho người lao động, đó là xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bước vào năm 2021, tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Bởi vậy, cánh cửa XKLĐ sẽ tạm thời "khó mở" để đưa lao động đi làm việc tại các thị trường tiềm năng trên thế giới.
Do đó, thu hút lao động vào thị trường nội địa sẽ tiếp tục được xác định là hướng đi chiến lược trong năm 2021 để tạo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Để thực hiện được nhiệm vụ này, bên cạnh bản lĩnh vượt khó của doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, sáng tạo hơn nữa nhằm tăng cường kết nối "cung- cầu" trong lao động.
Trong năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn cho trên 20 nghìn lượt lao động. Trên 300 doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng tài sàn với trên 35 nghìn lượt chỉ tiêu. Nhiều đơn vị đăng ký tuyển dụng nhiều lao động phổ thông như: Công ty cổ phần Nhựa KS Vina, Công ty TNHH Ninh Bình Enter B, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang… Thông qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm đã giới thiệu, tuyển dụng được hàng nghìn lao động, góp phần nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm toàn tỉnh trong năm 2020 lên trên 20 nghìn người, trong đó đưa 855 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng Thông tin thị trường lao động tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để thu thập thông tin tuyển dụng lao động, đồng thời tìm hiểu nhu cầu việc làm của người lao động. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, lên kế hoạch tuyển dụng cho các phiên giao dịch việc làm hàng tháng.
Đồng thời, để làm "cầu nối" cho người lao động và doanh nghiệp, ngoài tổ chức sàn giao dịch định kỳ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đăng thông tin tuyển dụng lên Website của Trung tâm để người lao động trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng. Đặc biệt, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại chỗ với mong muốn đưa cơ hội việc làm về với lao động ở những địa phương vùng xa.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình chung, nhưng tỉnh Ninh Bình vẫn chú trọng tới công tác XKLĐ. Thời điểm hiện nay tuy khó khăn để lao động xuất cảnh, song lại là "giai đoạn vàng" để tạo nguồn lao động, để người lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi các thị trường lao động khơi thông trở lại.
Do đó, các địa phương cần tuyên truyền để tạo nguồn, đồng thời hướng dẫn người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu chủ động học nghề, ngoại ngữ để có đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp XKLĐ đến các địa phương phối hợp tuyển dụng và đào tạo lao động phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đồng thời, sẽ nỗ lực để mở rộng thị trường XKLĐ sang nhiều quốc gia tiềm năng khác.
Bài, ảnh: Đào Hằng