Ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) cho biết, những năm gần đây, công tác XKLĐ ở xã đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, một xu thế mới trong công tác XKLĐ ở Gia Trấn đó là gia tăng các đối tượng du học nghề. Trong tổng số 19 lao động đi XKLĐ 2 năm 2018-2019 thì có tới 10 người là đi du học nghề. "Việc người trẻ đi du học nghề không hẳn vì áp lực kinh tế mà đó còn là sự tính toán khôn ngoan cho việc tạo dựng tương lai, sự nghiệp sau này. Bởi lẽ, sau khi đi du học nghề, ngoài khoản tiền tiết kiệm không nhỏ, người lao động còn được trang bị tay nghề, kỹ năng, tác phong, ý thức làm việc rất cao.
Với hành trang ấy, khi về nước, họ dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập khá ở ngay tại KCN gần nhà. Vì vậy ngày càng có nhiều lao động trẻ chọn hình thức du học nghề, nhất là các em học sinh mới tốt nghiệp THPT" - đồng chí Chủ tịch UBND xã nói.
Anh Nguyễn Huy Dũng, thôn 2, xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) là một trong số rất nhiều người lao động được hưởng "trái ngọt" sau khi đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài. Trở về sau 7 năm làm việc ở Hàn Quốc, với số vốn tích cóp được, anh Dũng hỗ trợ gia đình xây dựng ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ngoài ra còn mua thêm được vài mảnh đất làm "của để dành". "Năm 2006, tôi bắt đầu sang Hàn Quốc theo một hợp đồng lao động 3 năm. Công việc chính của tôi là điều khiển máy múc cho một công ty xây dựng với mức lương đều đặn từ 15-17 triệu đồng/tháng. Hết hạn hợp đồng, tôi tiếp tục gia hạn thêm 4 năm.
Với tay nghề cao, mức lương giai đoạn này đạt bình quân 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng theo anh Nguyễn Huy Dũng, thành quả lớn nhất mà anh có được sau vài năm vất vả bên xứ người không hẳn là số tiền tiết kiệm kha khá mà quan trọng hơn là trình độ tay nghề, ý thức làm việc và khả năng chịu được áp lực trong công việc nhờ được rèn luyện ở môi trường làm việc rất chuyên nghiệp. Với những kỹ năng quan trọng này, khi về quê, anh Dũng dễ dàng xin vào làm trong một công ty liên doanh với Hàn Quốc ở một KCN của tỉnh Bắc Ninh.
Trước khi trở thành Tổ trưởng Tổ tổng vụ với nhiệm vụ chính là làm phiên dịch cho chuyên gia người Đài Loan tại Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye, chị Đoàn Thị Điệp, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) có đến 8 năm đi làm giúp việc ở Đài Loan. Từ một cô gái quê với trình độ lao động phổ thông, đến nay, chị Điệp đã tự tin, năng động và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một thông dịch viên. Chị Điệp cho biết, nếu không có những năm tháng đi làm ở Đài Loan, có lẽ tôi cũng sẽ như nhiều bạn bè cùng lứa, chỉ biết cắm cúi với ruộng đồng.
Thời gian đi XKLĐ, mặc dù chỉ làm giúp việc gia đình song đã tạo cơ hội để tôi trau dồi, học hỏi được ngôn ngữ thứ hai. Trở về nước, tuy kỹ năng viết của tôi chưa giỏi, song với việc giao tiếp tốt bằng tiếng Trung Quốc, tôi dễ dàng xin được việc tại công ty liên doanh ở gần nhà với mức thu nhập khá và đầy đủ các chế độ đãi ngộ. Từ câu chuyện của bản thân mình, tôi nghĩ các bạn trẻ nên cân nhắc và nếu có thể thì hãy lựa chọn con đường đi XKLĐ, vừa là để tích lũy tài chính, vừa là cơ hội để học hỏi, trau dồi các kỹ năng, tay nghề để dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi về nước.
Theo lãnh đạo Phòng Lao động- Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương trên địa bàn tỉnh, cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp hay không. Nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng, có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, để tham gia được vào các thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… thì ngay từ vòng tuyển dụng, người lao động đã phải trải qua những bước kiểm tra tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc và ngoại ngữ rất khắt khe.
Thêm vào đó, những năm tháng làm việc ở nước ngoài đã rèn luyện cho nhiều lao động Việt những kỹ năng, tay nghề vững vàng, tác phong nhanh nhẹn. Đây thực sự là nguồn nhân lực cần được khai thác. Trong khi đó, đối với người lao động sau nhiều năm làm việc bên xứ người họ đều mong muốn trở về quê hương để làm việc, cống hiến. Vì vậy, sự trọng dụng với những chính sách đãi ngộ hợp lý của doanh nghiệp đối với những lao động sau khi đi XKLĐ sẽ tạo thêm một "cú hích" cần thiết để tỉnh ta tiếp tục thực hiện tốt công tác XKLĐ.
Từ khi Đề án XKLĐ và du học nghề được triển khai thực hiện, đến nay, số lượng lao động đi XKLĐ ngày một tăng. Năm 2019 có 1.542 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp trong vòng 10 năm gần đây số lượng lao động vượt mức 1.400 người. Phần lớn lao động ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao và ổn định với mức bình quân 25.660.000 đồng/người/ tháng, cao hơn so với thị trường trong nước ở cùng một ngành nghề, trình độ. Như vậy, trung bình mỗi năm, lượng tiền người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về cho người thân khoảng trên 600 tỉ đồng. Từ số tiền này, nhiều gia đình đã đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất lao động, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: Đào Hằng