Đánh thức tiềm năng
Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản trong những năm gần đây đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành Nông nghiệp. Tỉnh đã quy hoạch diện tích 540 ha tại 31 vùng sản xuất của 8 huyện, thành phố. Diện tích sản xuất rau đủ điều kiện an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn Việt GAP ngày càng nhiều.
Ninh Bình còn là một trong những tỉnh sản xuất nấm tương đối lớn của miền Bắc, nấm được trồng ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng tập trung chủ yếu ở huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn. Toàn tỉnh có khoảng 3.000 cơ sở tham gia trồng nấm, chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình.
Hiện có 3 doanh nghiệp là DNTN Hương Nam, Công ty TNHHTM Hồng Ngọc, Công ty cổ phần Nấm T&B với khoảng 8.000 lao động thường xuyên tham gia trồng nấm với sản lượng lớn. Diện tích lán trại trồng nấm toàn tỉnh khoảng trên 29,6 ha, trong đó khoảng 100 hộ có diện tích lán trại từ 5.00m2 trở lên. Sản lượng nấm tươi hằng năm đạt gần 4.600 tấn các loại. Các loại nấm ăn tươi gồm nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm; nấm linh chi và mộc nhĩ được sấy khô.
Hiện nay, các sản phẩm nông sản của Ninh Bình xuất khẩu sang thị trường các nước như: Nga, Mỹ, Nhật, các nước châu Âu, châu Phi và một phần tiêu thụ nội địa như ngô ngọt đóng hộp, nước quả. Ngoài các doanh nghiệp chế biến nông sản, trên địa bàn tỉnh có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơm cháy với quy mô vừa và nhỏ; hơn 40 cơ sở chế biến các sản phẩm từ thịt (giò, chả, nem,...); hơn 30 cơ sở nhỏ lẻ sản xuất nước mắm và sản phẩm dạng mắm, chủ yếu là sơ chế phục vụ tiêu dùng nội địa.
Nhiều chính sách kích cầu
Xác định rõ tầm quan trọng của ngành Nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, như: Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, phê duyệt 8 vùng sản xuất rau tập trung.
Đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TU, Nghị quyết 37/NQ-HĐND, Nghị quyết số 39/NQ-HĐND được ban hành nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ.
Trên cơ sở các nghị quyết của tỉnh, các cấp, các ngành đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp và nhà nông để sản xuất và tiêu thụ nông sản. Làm tròn vai trò điều hòa, đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia và đảm bảo việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng khi các bên đã ký kết.
Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp đang được quan tâm đầu tư. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, HTX nông nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành trong cả nước.
Quá trình triển khai thực thi các chính sách về ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều địa phương đã hình thành các vùng cung cấp nguyên liệu lớn để hỗ trợ các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm.
Ngoài ra, tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ khác như: Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Với những chính sách ưu đãi của tỉnh, hiện trên địa bàn đã có 6 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm rau, củ, quả quy mô lớn, sản lượng lên đến hơn 90 nghìn tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm tiêu biểu như: Nước quả cô đặc, rau, củ, quả đóng hộp, sấy, muối; rau, củ, quả đông lạnh IQF.
Sản phẩm phong phú, đa dạng với nhiều mặt hàng khác nhau, sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại từ bán tự động đến tự động hoàn toàn, các doanh nghiệp chủ động về nguồn nguyên liệu, vì thế hoạt động sản xuất diễn ra đều đặn trong cả năm. 3/6 doanh nghiệp đã được chứng nhận ISO 22000, doanh nghiệp còn lại đã được chứng nhận HACCP.
Bên cạnh đó, 285 HTX lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh cũng đang làm nhiệm vụ cầu nối quan trọng giúp cho quá trình liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân được thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các vùng nguyên liệu ngay tại tỉnh nhà.
Sớm tháo gỡ những "điểm nghẽn"
Bên cạnh những lợi thế về chính sách ưu đãi và điều kiện tự nhiên, ngành Công nghiệp chế biến nông sản của Ninh Bình hiện bộc lộ những "điểm nghẽn" cần khắc phục. Việc tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang được xem là "điểm nghẽn" lớn nhất trong thu hút đầu tư doanh nghiệp vào sản xuất và chế biến của tỉnh. Trong khi đó, hầu hết các vùng sản xuất của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp về đầu tư.
Thêm vào đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến nông sản và bà con nông dân trong việc phát triển các vùng nguyên liệu hiệu quả chưa cao do một số doanh nghiệp chậm thanh toán tiền mua nguyên liệu dẫn tới mất niềm tin từ bà con nông dân. Ngược lại một số bà con nông dân do nhận thức hạn chế nên vi phạm một số điều khoản của hợp đồng như: Không tuân thủ đúng quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bán sản phẩm ra ngoài khi thị trường có sự chênh lệch về giá...
Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về vốn nên một số doanh nghiệp không đủ tiềm lực để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ, vì thế khó khăn trong việc mở rộng sản xuất.
Để ngành chế biến nông sản phát triển hơn nữa trong thời gian tới, tỉnh cần tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản. Đẩy mạnh thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến nông sản xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô, bài bản.
Có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh... giúp các doanh nghiệp có đủ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến trang thiết bị dụng cụ, dây chuyền công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng.
Việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản nói riêng cũng cần có sự liên kết chặt chẽ, gắn liền với chiến lược phát triển chung của đất nước, của tỉnh Ninh Bình, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động...
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm