Năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư 46 dự án, tăng 22 dự án so với năm 2018 với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Con số trên đã phần nào khẳng định Ninh Bình đang là "miền đất tốt" của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời cho thấy, Ninh Bình cũng là một trong những tỉnh năng động, có nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Tập đoàn BenQ; Công ty cổ phần Times Garden Việt Nam và Tập đoàn Khách sạn Marriott; Công ty Ilsung MtechCo.Ltd; Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan; Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup; Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; Four Pows International, Happy Land, Công ty TNHH Khai Phát Đài Tín; tỉnh U Đôm Xay (Lào), tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc)... đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Ninh Bình.
Song song với đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn tín dụng và thủ tục pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai, đăng ký kinh doanh... Ninh Bình cũng đã xây dựng chiến lược đầu tư đảm bảo phát triển bền vững.
Các dự án đầu tư vào Ninh Bình phải thỏa mãn các điều kiện không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên, năng lượng. Trong đó chú trọng khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm và các dự án kêu gọi vốn đầu tư mà Ninh Bình có thế mạnh nhằm khai thác tiềm năng, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp, tỉnh định hướng ưu tiên thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án sử dụng đất có hiệu quả và sử dụng lao động địa phương. Tạo điều kiện phát triển đột phá công nghiệp tập trung, ưu tiên các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp chế tạo. Tập trung vào một số ngành công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Với những định hướng rõ ràng, trong những năm gần đây Ninh Bình đã thu hút được hàng loạt các nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô. Đại diện Công ty TNHH DNC Automotive, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc chuyên cung cấp các phụ tùng ghế ngồi ô tô nhận xét: Ninh Bình là địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Ngoài các chính sách thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ nói chung của Việt Nam thì Ninh Bình còn có nhà máy Hyundai Thành Công, có môi trường đầu tư thông thoáng. Trong quá trình thành lập và đi vào hoạt động, Công ty chúng tôi đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của các sở, ngành liên quan để dự án thực hiện đầy đủ quy định pháp lý của Nhà nước Việt Nam liên quan đến công tác quản lý về xây dựng, môi trường, lao động, phòng cháy, chữa cháy...
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương nhận xét: Nhờ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đẩy mạnh thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp năm 2019 của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 71,83 nghìn tỷ đồng, tăng 24,46% so với năm 2018, vượt 25,81% kế hoạch năm. Các sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp như Modul camera, lắp ráp, sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, kính nổi... đã chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng trưởng cao theo đúng định hướng thu hút đầu tư mà tỉnh đã đề ra.
Ngành Công thương cũng đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp cũng như định hướng của tỉnh về phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới triển khai dự án đầu tư, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động, chế độ ưu đãi tối đa theo quy định của Chính phủ với tất cả các dự án đầu tư… đã được thực hiện đồng bộ, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các nhóm ngành công nghiệp phát triển mạnh, đặt nền móng quan trọng cho những năm sau để kinh tế Ninh Bình tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cả nước và toàn cầu.
Bảo Yến