Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ngài Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các sở, ban, ngành có liên quan.
Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh do Bộ GT-VT là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Đường sắt là đại diện chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư là 37,153 tỷ Yên Nhật và 1.054 tỷ đồng (tương đương 9.284 tỷ đồng). Gói thầu CP1A nằm trên địa bàn hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình do nhà thầu thi công là liên danh MES-Rinkai-Taisei-Cienco1 (MRTC1) với tổng giá trị là 6,568 tỷ Yên Nhật (tương đương 1.518 tỷ đồng). Quy mô gói thầu bao gồm: thi công xây dựng mới cầu đường sắt Ninh Bình, ga Ninh Bình, cầu vượt đường sắt phía Nam ga Ninh Bình và một số hạng mục liên quan trong phạm vi đường hai đầu cầu như đường chui, đường ngang.
Cầu đường sắt Ninh Bình được xây dựng mới cách cầu cũ khoảng 30m về phía hạ lưu. Ga Ninh Bình được xây dựng mới cách ga cũ 1,35km về phía Nam. Quy mô đường trong ga được tăng từ 4 lên 11 đường, giúp tăng khả năng đón tiễn hành khách; tập kết, xếp dỡ hàng hóa; chỉnh bị, sửa chữa đầu máy toa xe và dồn tầu. Ga Ninh Bình mới có nhiều công trình, hạng mục để phục vụ và hỗ trợ nhiều chuyên ngành khác nhau như nhà ga chính, khu nhà chức năng, khu hóa trường, trạm chỉnh bị đầu máy, trạm chỉnh bị toa xe, quảng trường ga và vườn hữu nghị Việt - Nhật. Đặc biệt, Ga được xây dựng bổ sung cầu vượt bộ hành trong ga và nâng cao ke ga để thuận tiện cho hành khách lên xuống tầu. Ga được xây dựng với ý tưởng kiến trúc châu Á, sử dụng mái giàn không gian nhưng vẫn mang nét cổ điển hài hòa với kiến trúc xung quanh.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ của ngành đường sắt. Với việc thông tuyến gói thầu CP1A đã góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Ninh Bình, đảm bảo giao thông thuận lợi, giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò và trách nhiệm Chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng, tỉnh Ninh Bình đã quán triệt, triển khai tới các cấp, các ngành, đặc biệt là thành phố Ninh Bình ưu tiên, tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong quá trình hoàn thiện các hạng mục phụ trợ còn lại của dự án và giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan. Phối hợp trong công tác quản lý, vận hành khai thác, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản tạo điều kiện phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư của tuyến đường. Tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Bộ GT-VT chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc do quá trình thi công dự án gây ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của một số hộ dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng thông tuyến gói thầu CP1A và gắn biển Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông - Vận tải tại ga Ninh Bình.
Thái Học