Dự hội nghị còn có lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Xây dựng; lãnh đạo UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư; lãnh đạo Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định 597/QĐ-UBND ngày 9/5/2016; Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thành lập của Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt của 3 công ty: Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình; Công ty cổ phần địa ốc VSG (Nhà máy BOO VSG); Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thành Nam ngay sau khi có ý kiến phản ánh của các hộ dân về nước sạch sinh hoạt có xuất hiện sinh vật lạ.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra thực địa tại các nhà máy nước và lấy 27 mẫu nước để xét nghiệm tại trung tâm y tế dự phòng tỉnh và gửi xét nghiệm tại Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường Hà Nội; viện sốt rét, ký sinh trùng-côn trùng Trung ương.
Kết quả kiểm tra thực địa tại nhà máy nước cho thấy quy trình sản xuất của 3 nhà máy nước thực hiện đúng theo tiêu chuẩn TCXDVN 33: 2006 của Bộ xây dựng, có cán bộ kỹ thuật vận hành được đào tạo. Ba nhà máy đều có phòng hóa nghiệm, hàng ngày đã làm xét nghiệm nội kiểm một số chỉ số thông thường như màu, độ PH, độ cứng, hàm lượng Clo dư.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh định kỳ 1 tháng/lần làm xét nghiệm ngoại kiểm các tiêu chuẩn mức độ A (theo QCVN 01:2009/BYT). Công tác đảm bảo vệ sinh nội, ngoại cảnh 3 nhà máy thực hiện khá tốt, riêng Nhà máy nước Ninh Bình khu nước nguyên liệu tại bờ sông Đáy không đảm bảo vệ sinh như bể thu không có nắp, không có rào chắn bèo rác, không có biển báo theo quy định của Thông tư 50/2015/TT-BYT; đáy bể nước thành phẩm có nhiều cặn bẩn.
Về sinh vật lạ trong nước, qua kết quả xác định mẫu sinh vật, Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đã có công văn trả lời vật lạ đó là ấu trùng của 1 loài ruồi không gây bệnh, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe khi dùng nước sinh hoạt. Kết quả soi trực tiếp toàn bộ các mẫu nước đều không phát hiện trứng giun.
Đối với kết quả xét nghiệm lý hóa cả 3 Nhà máy nước về chỉ số đục, hàm lượng pecmangannat và lượng vi khuẩn Cliform tổng số vượt giới hạn cho phép. Các mẫu tại TNHH Xây dựng và thương mại Thành Nam; công ty cổ phần địa ốc VSG, các chỉ số về hóa lý cơ bản nằm trong giới hạn cho phép, ngoại trừ chỉ số clo dư tại các vòi sau đồng hồ của các hộ gia đình không đạt, có chỗ chỉ 0,1 mg/l.
Mẫu đáy bể chứa nước thành phẩm NMN Ninh Bình có bùn đất và nhiều cặn lắng dưới đáy bể, chỉ số pecmangannat lấy tại đáy bể cao hơn ở nước mặt; chỉ số clo dư của các mẫu nước trên hệ thống đường ống và tại vòi sau đồng hồ của các hộ gia đình chưa đạt theo QCVN 01: 2009/BYT. Chỉ số pecmangannat tại các mẫu nước lấy ở vòi các hộ gia đình đều cao hơn mẫu nước lấy tại bể nước thành phẩm của cả 3 nhà máy.
Như vậy nước đã bị tái ô nhiễm trên hệ thống ống cấp nước từ nhà máy đến các hộ dân. Một số hộ dân có dụng cụ trữ nước chưa bảo quản tốt như không đậy nắp, ống dẫn không kín, không vệ sinh thau rửa bể/ téc thường xuyên nên có cặn bẩn thể hiện ở chỉ số pecmangannat của bể chứa/ téc tại hộ gia đình cao hơn ở đầu vòi cấp của nhà máy (sau đồng hồ). Trong các mẫu nước thành phẩm nhà máy, vòi sau đồng hồ tại hộ gia đình đều không tìm thấy vi khuẩn hay trứng giun, sinh vật lạ.
Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đề nghị các nhà máy nước bổ sung clo hoạt tính tại bể nước thành phẩm và trung gian hệ thống đường ống cấp nước cho các hộ dân để đảm bảo lượng clo đạt từ 0,3-0,5 mg/l; nhà máy nước thực hiện giữ vệ sinh bể chứa nước thành phẩm, không để đáy bể có cặn bùn, đảm bảo vệ sinh khu vực lấy nước nguyên liệu. Các hộ dân cũng cần thường xuyên vệ sinh, thau rửa, thực hiện đậy nắp kín bể chứa nước trong gia đình.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận đưa ra các giải pháp để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho nhân dân trên địa bàn; không để tái diễn tình trạng nước xuất hiện các loại sinh vật, ấu trùng như trong thời gian qua.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng của trong thời gian quan để tìm nguyên nhân của tình trạng nước xuất hiện sinh vật, ấu trùng trong nước trên cơ sở các xét nghiệm khoa học.
Các nhà máy nước cũng đã có những giải pháp tích cực khắc phục một số thiếu sót trong quá trình xử lý nước, thực hiện vệ sinh bể chứa nước thành phẩm, bổ sung lượng clo theo đúng quy chuẩn. Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã tích cực tuyên truyền ổn định tình hình, tư tưởng trong nhân dân.
Đồng chí đề nghị các nhà máy nước tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn; đồng thời nâng cấp hệ thống cung cấp nước, giảm thiểu tổn thất nước, tăng thời gian cung cấp nước cho các hộ gia đình lên 8/24 giờ.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thường xuyên kiểm tra chỉ số, chất lượng nước sinh hoạt sản xuất tại nhà máy đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp cho dân. Các cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung cấp nước sạch, kiểm tra các mẫu nước trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý các mẫu nước không đảm bảo chất lượng.
Các cơ quan thông tin tuyên truyền cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để có hình thức tuyên truyền thông phù hợp và triển khai kịp thời kết quả kết luận của cơ quan chuyên môn, của tỉnh để nhân dân hiểu , yên tâm sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Hồng Vân-Minh Quang