Lãnh đạo các nước phương Tây đã nhất trí chuẩn bị lực lượng địa phương tại Iraq và Syria để chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tuyên bố trên được đại diện của Thủ tướng Anh đưa ra sau cuộc đàm thoại trực tuyến giữa lãnh đạo các nước phương Tây trong ngày 15/10.
Cuộc điện đàm diễn ra với sự tham gia của Thủ tướng Anh David Cameron (Đa-vít Ca-mê-rôn), Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma), Tổng thống Pháp Francois Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ), Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) và Thủ tướng Italy Matteo Renzi (Mát-tê-ô Ren-di) nhằm thảo luận các vấn đề của IS, tình hình ở miền Đông Ukraine và cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã đạt được đồng thuận về việc cần thiết phải đào tạo các lực lượng địa phương ở Iraq và Syria để có thể chiến đấu với IS trên bộ với sự hỗ trợ của lực lượng không quân của liên minh quốc tế. Lãnh đạo các cường quốc phương Tây cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc thực đẩy những nỗ lực của Chính phủ Iraq thu hút cộng đồng người Sunni nhằm cô lập IS.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các đơn vị chống khủng bố của Bỉ, Maroc, Tây Ban Nha và Pháp đã có cuộc họp về vấn đề giới trẻ các nước châu Âu tham gia hàng ngũ thánh chiến tại Syria. Theo đó, 4 quốc gia trên đã nhất trí thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến các cuộc điều tra về "hoạt động tuyển dụng, huấn luyện và gửi người tham gia thánh chiến tại Syria" cũng như quản lý việc hồi hương từ vùng chiến sự của những người này.
Theo thống kê, hiện có khoảng 2.500 công dân châu Âu tham gia lực lượng IS tại Syria.
Khoảng 4.500 người đã thiệt mạng do Ebola
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 15/10 công bố báo cáo cho biết đến nay đã có khoảng 4.500 người thiệt mạng kể từ khi dịch bệnh do virus (vi-rút) Ebola bùng phát tại các nước Tây Phi kể từ đầu năm nay. Số liệu WHO cập nhật đến ngày 12/10 cho biết đã có khoảng 4.493 người thiệt mạng trong tổng số 8.997 người bị nhiễm và dịch bệnh đã lan rộng ra bảy quốc gia.
WHO chia 7 nước đang bị ảnh hưởng bởi virus Ebola thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm có 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nhóm 2 gồm Nigeria, Senegal, Tây Ban Nha và Mỹ là những nước có ít ca nhiễm mới nhưng khả năng cách ly cao. Trong số ba nước chịu tác động nhiều nhất từ Ebola thì Liberia có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất với số liệu lần lượt là 4.249 và 2.458 sau đó đến Sierra Leone với 3.252 và 1.183; cuối cùng là Guinea với 1.472 và 843 ca. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng và mở rộng phạm vi hỗ trợ các nước đang bị virus Ebola hoành hành và có chiều hướng lan rộng.
Tuyên bố của HĐBA cảnh báo thế giới chưa có những nỗ lực tương xứng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và đã thất bại trong việc dự báo trước nguy cơ lây lan của virus Ebola. Tuyên bố cũng hối thúc tất cả quốc gia thành viên và tổ chức đa phương nhanh chóng mở rộng đáng kể việc cung ứng nguồn lực, tài chính hỗ trợ khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời kêu gọi thành lập phòng thí nghiệm lưu động, bệnh viện dã chiến, đào tạo nhân viên y tế, liệu pháp điều trị , vaccine cũng như dụng cụ phòng hộ.
Bên cạnh đó, HĐBA LHQ hối thúc quốc gia cũng như các công ty vận tải và hàng không duy trì chế độ thương mại linh hoạt, mở và kết nối du lịch với hầu hết các nước Tây phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola. Tuyên bố cho biết HĐBA bày tỏ quan ngại về sự bất lợi của việc cách ly đối với những nước bị ảnh hưởng do áp đặt hạn chế thương mại và du lịch đối với những nước bị ảnh hưởng, cũng như quy định nghiêm khắc đối với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ôba-ma) đã hủy chuyến thăm Đảo Rhode (Rô-đi) và New York (Niu-Yo-óc) để tập trung vào công tác đối phó với các ca nhiễm Ebola mới tại Mỹ. Trước đó, ông Obama đã có kế hoạch thảo luận về vấn đề kinh tế ở Đảo Rhode và gây quỹ cho Đảng Dân chủ ở New York. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp ông hủy bỏ kế hoạch công tác để tập trung đối phó với dịch bệnh Ebola. Trong khi đó, trước thông tin nước Mỹ phát hiện trường hợp thứ 2 nhiễm Ebola, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Thomas Frieden (Thô-mát Phri-ê-đen) cho biết việc Mỹ có thêm ca nhiễm mới Ebola là rất đáng ngại. Hiện công tác điều tra, xác minh những người có liên quan đang được xúc tiến và theo dõi chặt chẽ, đồng thời cho biết CDC đang chuẩn bị cho khả năng có thêm các ca nhiễm virút này trong những ngày tới. Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Anh David Cameron (Đa-vít Ca-mê-rôn), Tổng thống Pháp Francois Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ), Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) và Thủ tướng Italy Matteo Renzi (Mát-tê-ô Ren-di) thể hiện cam kết "lớn hơn" trong nỗ lực toàn cầu để chặn đứng dịch Ebola.
Tổng thống Nga cảnh báo và lên án sự tôn vinh chủ nghĩa phát-xít
Trả lời phỏng vấn của báo "Chính trị" của Serbia trước thềm chuyến thăm tới nước này vào ngày 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã cảnh báo và lên án sự tôn vinh chủ nghĩa phát-xít.
Ông Putin tuyên bố: "Thật đáng tiếc là vắcxin chống virus Đức Quốc xã được chế xuất tại Tòa án quốc tế Nuremberg nay đã mất hiệu nghiệm ở một số nước châu Âu. Bằng chứng rất rõ nét là những biểu hiện ngang nhiên của chủ nghĩa phát-xít mới đã phổ biến ở Latvia và những nước Baltic khác". Ông cũng bày tỏ lo ngại về tình hình ở Ukraine khi mà vào tháng Hai năm nay đã diễn ra cuộc đảo chính vi hiến do các phần tử dân tộc chủ nghĩa và những nhóm cực đoan khác đứng đằng sau.
Tổng thống Nga kêu gọi đấu tranh với bất kỳ biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Theo ông, nghĩa vụ chung của cộng đồng quốc tế là chống tôn vinh chủ nghĩa phát xít, kiên quyết chống lại những toan tính phủ nhận chiến thắng chống chủ nghĩa phát-xít trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Cần nhất quán đấu tranh với mọi hình thức và biểu hiện của phân biệt chủng tộc, kỳ thị bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và chủ nghĩa sô-vanh.
Tổng thống Putin cũng cáo buộc Tổng thống Mỹ đang thể hiện thái độ thù địch đối với Nga và cảnh báo về những mưu toan đe dọa Moskva. Tổng thống Putin khẳng định âm mưu cô lập Nga là một mục tiêu ảo tưởng, phi lí và sẽ không thể thực hiện được.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức thấp
Đây là kết luận đưa ra trong báo cáo Beige Book về triển vọng kinh tế được Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 15/10.
Trong báo cáo, FED nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới về tổng thể tiếp tục tăng trưởng từ "khiêm tốn đến vừa phải" ở 12 quận được khảo sát trên cả nước từ tháng 9 đến đầu tháng 10. Theo đó, có 6 quận được đánh giá tăng trưởng ở mức "vừa phải" và 5 quận ở mức "khiêm tốn".
Dựa vào việc đánh giá hoạt động kinh tế của 12 quận, FED nhận định mức chi tiêu tiêu dùng, hoạt động du lịch và ngành chế tạo tại hầu hết các khu vực đều có nhiều khởi sắc. Trong đó, các quận Cleveland (Cli-vơ-len), Chicago (Si-ca-gâu) và San Francisco (Xan Phran-xít-cô) đặc biệt ghi nhận nhu cầu tăng cao đối với sản phẩm thép.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hầu hết các quận được khảo sát có dấu hiệu phục hồi tốt hơn. Khảo sát cũng cho thấy thị trường lao động tiếp tục cải thiện tích cực và không mấy thay đổi so với báo cáo công bố hồi tháng 9. Tuy nhiên, hầu hết các quận được khảo sát đều thiếu lao động tay nghề cao trong một số lĩnh vực như xây dựng và chế tạo, kéo theo sức ép tăng lương ở các ngành này. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp và áp lực giá không thay đổi nhiều so với trước.
Tuy nhiên, báo cáo của FED cũng cho thấy hoạt động bán lẻ - chiếm 1/3 chi tiêu tiêu dùng - lại có chiều hướng giảm, đặc biệt tại New York, do người dân chủ động "thắt chặt hầu bao" đối với một số mặt hàng nhất định. Đánh giá này phù hợp với báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 9 giảm 0,3%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1. Trong đó, doanh số bán lẻ ô tô giảm 0,8%, doanh số bán quần áo và các sản phẩm thể thao lần lượt giảm 1,2% và 0,1%.
FED công bố báo cáo Beige Book 8 lần/năm để cung cấp bức tranh toàn cảnh về kinh tế Mỹ theo từng thời điểm. Các báo cáo này được cập nhật số liệu hai tuần trước mỗi kỳ họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) về chính sách tiền tệ. Theo kế hoạch, kỳ họp về chính sách tiền tệ tiếp theo của FED sẽ được tiến hành vào ngày 28-29/10. Giới chuyên gia dự đoán trong cuộc họp của FOMC sắp tới, FED nhiều khả năng sẽ quyết định ngừng hẳn chương trình thu mua trái phiếu chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn trên đà phục hồi ổn định.
P.V (Tổng hợp từ nguồn TTXVN)