Tập "Hoa Lau" có độ dày gần bốn trăm trang. Phần lớn là sáng tác của những người yêu thơ trên mảnh đất Ninh Bình. Tác giả là những kĩ sư, bác sĩ, cán bộ, công nhân, nông dân, bộ đội, phần đa họ đã nghỉ hưu. Cũng có số ít các tác giả là hội viên hội văn học nghệ thuật Ninh Bình, hội viên hội nhà văn Việt Nam.
Không phân biệt tuổi tác ngành nghề, giới tính, họ đến với thơ bằng tấm lòng yêu đời, yêu cuộc sống, mong được bộc lộ tâm trạng, nỗi niềm, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ buồn vui, nâng cao đời sống tinh thần. Thế nên, mỗi câu chữ, mỗi bài thơ đều rất bình dị, đôi khi còn nôm na, dễ dãi nhưng vượt lên trên hết, vẫn là sự chân thành mộc mạc như cốt cách bao đời của những người dân quê vậy.
Nhìn chung tập thơ "Hoa Lau"của câu lạc bộ thơ tỉnh Ninh Bình có nội dung khá phong phú, tập trung nhiều nhất là những bài thơ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi những danh lam thắng cảnh của quê hương Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng, thể hiện lòng biết ơn Đảng bác Hồ và những người ruột thịt; sự tri ân với anh em, đồng chí, đồng đội; thể hiện tình yêu với biển đảo… Thơ viết về đề tài nào cũng mộc mạc chân thành, giàu cảm xúc.
Là tập thơ của Câu lạc bộ, tác giả phần đa là những người cao tuổi, mặc nhiên, họ đã trải qua chặng đường lịch sử đau thương, mà anh dũng của dân tộc, nên càng thấm thía cái giá của độc lập tự do. Bởi vậy, qua mỗi trang thơ, họ muốn bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ. Về đề tài này, tác giả Lê Nhuệ Giang xúc động:
"Trong đời mình có nhiều lần Bác khóc/ Lẽ tự nhiên vì Bác- Một- Con - Người/ Và mỗi lần Bác Hồ rơi nước mắt/ Đất nước mình nước mắt lại bớt rơi".
Tác giả Vũ Thị Hải hồi tưởng lại giây phút thiêng liêng Bác đọc Tuyên ngôn độc lập mà như thấy: "Long lanh ánh mắt Bác cười/ Niềm tin sắt đá lời Người: Tuyên ngôn".
Biết ơn Đảng, Bác họ tự hứa: "Sống vui sống đẹp hết mình/ Một lòng với Đảng trọn tình nước non" (Tình quê- Lê Thị Miên).
Tập trung nhiều nhất là những bài thơ viết về tình yêu quê hương, đất nước. Quê hương là những cánh đồng, dòng sông, con đò, mái đình, hương lúa, hương cau, hương bưởi… "Xuân về tô đẹp bức tranh/ Cỏ cây hoa lá trĩu cành đơm bông/ Gió đưa hương bưởi thơm nồng/ Rực hoa gạo cháy thắm hồng tháng ba" (Nắng xuân- Phạm Văn Minh).
Quê hương là làng xóm thân thuộc, ở đó ta cảm nhận được tình người, tình quê nồng ấm: Ngàn đời làng vẫn cưu mang/ Hèn sang thì vẫn người làng mình thôi/ Dẫu đi cuối đất cùng trời/ Con đường chỉ một đưa tôi về làng (Về làng- Nguyễn Tiến Dũng). Hoặc " Cánh đồng có tự ngày xưa/ Chắt chiu hạt gạo chiêm mùa dẻo thơm/ Ao đầm con cá con tôm/ Cái cò cái vạc sớm hôm tìm về" (Nhìn vào mắt mẹ mà thương cánh đồng- Võ Ngột).
Quê hương nơi có "Cánh diều neo giữ tuổi thơ/ Ngõ làng nuôi dưỡng ước mơ một thời/ Dù phiêu bạt bốn phương trời/ Nhớ quê lối cũ người ơi tìm về" (Lối cũ- Trương Minh Phố)… Có khi quê hương là những gì đó khái quát bao trùm như "Hồn sông núi", "hồn làng", là "cơ đồ tổ tiên", "chủ quyền dân tộc"…
Đặc biệt nhiều tác giả tập trung khai thác vẻ đẹp của quê hương Ninh Bình qua những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc Bích Động, Động Vân Trình, Thung Nham, Sông Hoàng Long, Sông Vân, núi Thúy, núi Ngọc Mỹ Nhân. Rừng Cúc Phương, Đèo Ba Dội. Đền vua Đinh, vua Lê…mỗi tác giả đều có cách cảm nhận riêng về vẻ đẹp quê hương đất nước, qua đó gửi gắm tình yêu chân thành, sâu sắc của mình.
Đọc những bài thơ viết về đề tài này, ta càng yêu hơn nơi chôn nhau cắt rốn của mình, yêu từ cánh đồng, ngọn núi hình sông, đến những danh thắng nối tiếng đã đi vào huyền thoại.
Đề tài người mẹ cũng được nhiều tác giả quan tâm. Bởi lẽ, đã làm thơ ít nhất ai cũng có ít nhất một đôi bài viết về mẹ. Trong thi ca xưa và nay, mẹ luôn là đề tài quen thuộc mà không bao giờ xưa cũ.
Thế nên, đây là một trong những đề tài mà các tác giả thơ khai thác khá thành công, chủ yếu lấy cảm hứng từ người mẹ cụ thể của mình, cho nên, chất liệu để xây dựng nên hình ảnh người mẹ cũng vô cùng giản dị, gần gũi: "Sương mai bàng bạc mái đầu/ Chân tòe bấm đất đồng sâu đồng mầu" (Mùa vu lan- Nguyễn Hoán). Viết về mẹ cũng là thể hiện tình yêu của mẹ đối với con và ngược lại.
Tình yêu ấy được gửi gắm qua lời mẹ dặn: "Con đi chín, nhớ về mười/ Nhường khôn biết dại, hiểu người thấu ta/ Bước đi nghĩ rộng nhìn xa/ Đức nhân thắng số phúc nhà tổ tiên" (Nước mắt mẹ- Bùi Thị Chờ). Tác giả Lê Thi Hữu lại hình tượng hóa những vất vả của người mẹ bằng lối nói phóng đại: "Đôi vai mẹ gánh đồng nhà/ Mồ hôi mẹ mặn thấm qua mùa màng" (Đồng làng những buổi chờ mưa- Lê Thi Hữu).
Tác giả Đinh Giáng có cái nhìn khái quát hơn về người mẹ bằng vần thơ lục bát ngọt ngào, từ người mẹ "Trên đầu nón lá nghiêng che" trở thành người mẹ Tổ quốc sừng sững, kiêu hùng: "Biển bầu sữa mẹ u Cơ/ Núi sông gấm vóc cơ đồ tổ tiên/ Quê hương tổ quốc chủ quyền/ Hiên ngang dáng đứng mẹ hiền Việt Nam" (Dáng mẹ Việt Nam)…
Không thể kể hết những vần thơ xúc động của các tác giả viết về mẹ. Cũng không từ ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn và chính xác tình cảm của mỗi người con với mẹ. Chỉ biết rằng Mẹ luôn là ngôn từ giản dị mà thiêng liêng nhất trong tâm hồn mỗi người.
Một đề tài cũng được nhiều tác giả quan tâm là tình cảm đồng chí, đồng đội- Những người một thời sống chết có nhau. Ngày trở về, kẻ còn người mất, những người ở lại vẫn sống trọn nghĩa vẹn tình.
Bài "Viết ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn" (Nguyễn Kim u) là bài thơ xúc động về sự tri ân với những đồng đội đã ngã xuống: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn/ Chiều ba mươi tết gió thơm dội về/ Cúc vàng huệ trắng hoa lê/ Rưng rưng mắt lá cõi mê cháy lòng".
Tác giả Phạm Ngọc Phu cũng tỏ lòng biết ơn tới những người đồng đội, những người đã hóa thành "Hồn sông núi" cho đất nước độc lập tự do: "Nay đất nước rạng ngời xuân sắc/ Sóng biển khơi phủ trắng mái đầu/ Xuân xanh gửi chốn rừng sâu/ Giờ cùng biển đảo dãi dầu gió sương"…
Không thể kể hết những vần thơ tràn ngập yêu thương, đầy ắp nghĩa tình như thế. Bởi chúng ta hiểu rằng không thể nào khỏa lấp được những mất mát hy sinh của đồng chí đồng đội. Đó chỉ là cách bù đắp phần nào cho những tổn thất từ cuộc chiến.
Sẽ là không đầy đủ nếu không nói đến đề tài tình yêu. Mà tình yêu thì không có tuổi, mỗi độ tuổi, mỗi tác giả lại có một cách thể hiện tình yêu khác nhau. ở tập "Hoa lau", thơ viết về tình yêu lứa đôi, dẫu không nồng nàn, đắm say nhưng vẫn đằm thắm và sâu sắc. Tác giả Lương Xuân Bằng, chân tình mộc mạc trong bài thơ "Ngọt ngào tháng ba": "Chẳng bận nhiều rằng dòng hay dòng dở/ Chỉ yêu em nên câu đợi câu chờ"…
Tác giả Đặng ái Thi có bài thơ cảm động về tình cảm vợ chồng: Thương bù trước bước lưu linh, cách xưng hô mộc mạc, gần gũi Tôi, Mình làm cho bài thơ chạm đến sâu thẳm lòng người: "Dõi tôi mình mắt chẳng rời/ Thương lo tôi lắng từng hơi thở mình". Tác giả Tống Xuân Điển vẫn nhớ mãi "Nụ cười xưa" của Em ngày ấy: "Tìm nhau ánh mắt lén nhìn/ Nụ cười ủ lại trong tim đến giờ"…
Tình yêu trong thơ không phải lúc nào cũng tròn trịa, tác giả Lê Xuân Lâm luôn "Khát vọng" đau đáu về một mối tình dang dở: "Nỗi đau da thịt thì liền/ Dở dang duyên phận nối liền được không/ Giá mà có một dòng sông/ Để ta gột rửa cái không là tình…" Bài "Duyên quê", tác giả Nguyễn Ngọc Thạch đã mượn hình ảnh trầu cau viết lại một câu chuyện tình có hậu. Người ra đi đã trở về. Kết thúc bài thơ là niềm vui hạnh phúc: "Trầu têm cánh phượng đậm đà duyên quê".
Với quan niệm Thơ là cuộc sống, các tác giả trong Câu lạc bộ thơ Ninh Bình đã viết lên cuộc sống chân thực của mình qua tập thơ "Hoa lau". Có thể thơ họ chỗ này, chỗ khác còn chưa hay, nhưng nhiệt huyết và lòng yêu thơ của họ đã bộc lộ rõ qua từng con chữ. Hy vọng ở những tập thơ sau, thơ của Câu lạc bộ thơ Ninh Bình sẽ ngày càng khởi sắc hơn, xứng đáng với kì vọng và lòng tin yêu của độc giả.
Nguyễn Thị Bình