Bản thân ông Phạm Tăng là cháu năm đời của Thượng thư, Hiệp biện Đại hội sỹ, Cơ mật viện Đại thần Phạm Thận Duật. Ông đã từng theo học hội họa ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), sau đó tiếp tục đi tu nghiệp ở châu Âu và cuối cùng với bằng tốt nghiệp các môn hội họa, trang trí, điêu khắc, thiết kế sân khấu tại Viện Mỹ thuật Rôma (Accademia de bele arti di Roma của Italia).
Trên con đường nghệ thuật, mặc dù chủ yếu sống và làm việc ở châu Âu, nhưng ông đã tìm tòi sáng tạo một cách vẽ riêng cho mình, không chịu ảnh hưởng của nền hội họa phương Tây hay Trung Hoa chi phối. Vì vậy, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Bách Khoa (Việt Nam), ông đã không ngần ngại nói rõ quan niệm của mình về hội họa: "Hội họa Việt Nam phải bộc lộ được bản sắc riêng, góp một tiếng nói với hội họa thế giới, dù là một tiếng nói nhỏ bé, nhưng là tiếng nói của riêng mình, không lai căng Tây hay Tàu. Tôi cảm thấy hãnh diện là mình không mất rễ, không đụng chạm trực tiếp với phương Tây, tôi nhờ sức phản ứng mà phá tung được mọi xiềng xích nô lệ do sự phụ thuộc vào lối nhìn nhận sự vật, ảnh hưởng của hội họa phương Tây và Trung Hoa thời kỳ bị đô hộ. Chính là nhờ ở lòng ham muốn tự do và ở chí quật cường của dân tộc, tôi mới tìm được một đường lối giải thoát cho nghệ thuật của riêng mình".
Và thực sự ông đã tìm ra lối đi riêng cho chính mình và đã gặt hái được nhiều thành quả trên con đường nghệ thuật gập ghềnh đèo dốc. Giới mỹ thuật biết đến một họa sỹ Phạm Tăng từng đem lại vẻ vang cho đất nước, khi ông nhận giải nhất về hội họa của Tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) trao tặng với bức tranh "Vũ trụ" năm 1967, ngay tại đất thánh của hội họa thế giới là La Mã và nhiều giải thưởng quốc tế khác.
Ngay sau đó, năm 1968 một nhà phê bình hội họa của uy tín là Andere Lemoine với những trang viết đầy tâm huyết và khẳng định tính khám phá trong từng tác phẩm hội họa của Phạm Tăng "Nghệ thuật của Phạm Tăng là một chuỗi liên tiếp những khám phá choáng ngợp, bởi vì người ta không bao giờ biết được tác phẩm khởi đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu; mỗi bức tranh là hằng hà sa số vũ trụ mà mắt ta lướt qua trên đó chẳng khác gì một phi thuyền không gian đi kiếm tìm các thế giới khác".
Khi gặp lại bạn bè là cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương xưa, ông tâm sự: "Thử ngắm kỹ những hàng lớp đá chạy trên sườn núi, đám mây bay vẩn đục trên bầu trời, làn sóng cuộn trên mặt biển, dấu viết gió vờn trên bãi cát, đường vân nổi trên con ốc biển, trên viên đá sỏi, trên mặt rong rêu... đều có thể nhận thấy rõ ràng một nhịp vận chuyển thật sinh động tự nhiên, hiển hiện thành đường nét, khi lên khi xuống, lúc hiện lúc tan, vừa xô đẩy cuốn hút, vừa êm ả nhẹ nhàng xoay vần di động... Nhắm mắt lại, nhìn vào lòng mình, tôi cũng thấy hiển hiện những đường nét đó, khi vui buồn, lúc mừng giận, nhất nhất mọi cảm xúc đều có thể vẽ thành những đường nét uyển chuyển trùng điệp gắn bó vào nhau"... Lời bộc bạch giãi bày tâm sự trên thật ra đã chứa đựng một nội hàm sâu lắng về nhân sinh quan và phương pháp tiếp cận thế giới quan của họa sỹ Phạm Tăng đối với cuộc đời và sự nghiệp.
Đúng như lời nhận xét của họa sỹ Hữu Ngọc về ông qua một bài báo in trên Nhân Dân chủ nhật ngày 16-4-1989: "Phạm Tăng đã tổng hợp những điểm đối lập để đạt tới một tổng thể không chia cắt được"...
Và nỗi khát khao, niềm mơ ước trong nhịp điệu của cuộc sống quá khứ, hiện tại và tương lại, khi đã thành công trong nghệ thuật, đã có danh, Phạm Tăng đã dừng lại không đi theo số lượng, mà chủ yếu vẽ thiên về chất để chiêm nghiệm nghệ thuật và cuộc sống ở một chiều khác, ở một góc độ khác với sự rộng dài sâu lắng của thời gian và không gian.
Bên cạnh sự thành công trong lĩnh vực hội họa, Phạm Tăng còn đến với thơ. Nhưng như lời ông đã từng nói, làm thơ để trò chuyện tâm tình với chính mình và để bảo tồn, rèn giũa tiếng mẹ đẻ, khi hàng ngày xung quanh mình không có người Việt Nam để đàm đạo.
Lời nói trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm và nhất quán, nếu như ai đó đã từng đọc bức thư của ông gửi bạn là nhà thơ Trần Lê Văn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1994: "Thực ra, tôi làm thơ để trò chuyện tâm sự với chính mình hơn là để thành thi sỹ. Nhất là lẻ loi, đơn độc ở xứ người hàng mấy chục năm, không có người Việt để đàm đạo, làm thơ chính là để bảo tồn tiếng nói mẹ đẻ của mình, hướng về quê hương, tổ tiên và không quên cội nguồn"... với những tứ thơ da diết làm sao:
Có ai còn nhớ Yên Mô
Sông Càn, núi Bảng bây giờ còn không?...
Đồng thời, ông cũng bộc bạch nỗi lòng của mình đối với mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn với chất giọng hoài cảm, phảng phất nỗi buồn, nỗi cô đơn, đọc nghe sao mà day dứt:
Người đi thuở trước, mình đưa tiễn
Đến lượt mình đi thiếu một người
Mảnh đất từ đây, ai ấp ủ?
Gương thề mặt đá, bóng trăng soi.
(Thơ Phạm Tăng - Gương thề mặt đá)
Cuối năm 1993, từ Italia, Phạm Tăng đã gửi bản thảo một tập thơ về nước, nhờ bạn bè xin giấy phép xuất bản, in ấn hộ và từ đó tập "Thơ Phạm Tăng" đã ra mắt bạn đọc (NXB Văn học - Hà Nội 1994). Năm 1995, tuyển tập "Thơ Ninh Bình" với tác phẩm chọn lọc của nhiều tác giả và gần đây "Tuyển tập thơ Ninh Bình ngàn năm" do Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình in ấn.
Cảm nhận thơ ông, ngày 13-3-2003, Trường Đại học Paris 7 và Đài Phát thanh Văn hóa Pháp đã tổ chức một đêm thơ châu á trong khuôn khổ lễ hội "Mùa xuân của các nhà thơ" đã mời 4 nhà thơ của 4 nước châu á tới dự là Douduo (Trung Quốc), Ryoko (Nhật Bản), Không Un (Hàn Quốc) và Phạm Tăng (Việt Nam). Sự kiện trên đã gây dư luận và khơi dậy tính tò mò của những người làm thơ trong nước, trong đó có giới văn nghệ sỹ Ninh Bình quê hương ông, bởi vì người ta chỉ biết đến một họa sỹ Phạm Tăng tài hoa, chứ chưa biết nhiều về một nhà thơ Phạm Tăng ngẫu cảm thi hứng.
Năm 1994, khi trở về thăm đất nước, thăm quê hương Ninh Bình, thăm bạn bè sau gần nửa thế kỷ xa nhớ. Tại trụ sở của Nhà xuất bản Thế giới, những bạn đồng học thời sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay nhiều người trong số đó đã thành đạt về nghề nghiệp, đã trở thành những danh họa nổi tiếng, đó là Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Phan Tại, Trần Duy, Lê Trung Đức.. các bạn thơ của ông như Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Lê Văn... và giới văn nghệ sỹ quê hương đã giang tay đón Phạm Tăng, như đón một người thân trong gia đình vậy.
Đến nay, nếu ở Việt Nam thì ông đã mấy lần được tổ chức lễ mừng thọ rồi. Có thể vì lý do tuổi cao, sức yếu nên ông không thể về thăm nơi chôn nhau, cắt rốn một lần nữa. Nhưng ở nơi đất khách quê người xa xôi nửa vòng trái đất ấy vẫn có một người con xa xứ luôn đau đáu nhớ về quê hương.
Trần Lâm Bình