Chữ thờ có thể là một chữ như: chữ Đức, chữ Nhân, chữ Phúc, chữ Tâm, chữ Nhẫn... cũng có thể là vài, ba, bốn chữ được trích trong sách thánh hiền, hoặc một bài thơ hay của bậc thi tiên, thi thánh phù hợp với sở thích mỗi người mà mình theo đuổi, truyền lưu như gia bảo. Chữ thờ thường thấy ở miếu đền, dinh phủ và cả ở nhà dân. Nơi đặt chữ là nơi trang trọng nhất, bắt mắt nhất, có thể ở tam quan, tiền đường, chính tẩm nơi thờ tự hoặc chính giữa sảnh đường để chiêm bái. Nếu là chữ đơn lẻ cũng được treo hoặc dán trang trọng trên vách, trên tường, trên cửa ra vào.
Chữ thờ thể hiện chất người sâu lắng của mỗi vùng quê, cũng là bức họa làm tăng vẻ uy nghi chốn thần linh và vẻ đẹp mỗi nhà. Mỗi nét trong chữ có vẻ đẹp riêng từ nét hoành, nét huyền, nét mác, hoặc chỉ một điểm (chấm) cũng thiên biến vạn hóa, lúc tươi nhuận, lúc sần sùi, khi như kim treo, lúc như vừng trăng mới mọc, khi tàng, khi lộ, khi hành, khi lạc, lúc thâu... đều là tình người hiện lên nét chữ, khiến chữ có thần. Đại thi hào Nguyễn Du đặc tả chữ Tâm "Một vừng trăng khuyết, ba sao giữa trời".
Ông cũng nói: "Khen rằng bút pháp đã tinh, so vào với Thiếp lan đình nào thua". Thời xưa, các khoa thi hương bên cạnh việc kén chọn các bậc văn tài, Nhà nước còn cho chọn các sỹ tử có chữ đẹp (dù văn bài có kém một vài phân) để chấm là cử nhân bút thiếp (chữ đẹp). Cử nhân bút thiếp cũng được ban áo mũ, được vinh quy bái tổ, được trọng vọng như các cử nhân văn khoa.
Người xưa có câu: "Người trồng cây cảnh người chơi, ta trồng cây đức để đời cho con". Lại có câu: "Đức vi cơ" (lấy đức làm nền) và "Đức nhân thắng số". Sách Minh tâm bảo giám thì dạy rằng: "Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ; tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc; bất tri tích âm đức ư minh minh chi trung dĩ vi tử tôn trường cửu sinh kế", nghĩa là: "Trừ vàng cho cháu con, cháu con chưa chắc đã giữ. Chứa sách cho con cháu, cháu con chưa chắc đã đọc. Chi bằng trong chốn mù mù ta tích âm tích đức để lại cho con cháu làm kế sách lâu dài". Bởi vậy trong các chữ thờ ta thấy nhiều nhất vẫn là chữ Đức.
Nhân dân ta thường nói: "Con hơn cha là nhà có phúc" và "phúc bất trùng lai". Vua Tự Đức thì có thơ ban về chữ Phúc như sau:
"Phúc thiên, phúc địa, phúc nhân hòa,
Phúc chỉ tâm thành, phúc thịnh đa,
Phúc đắc nhãn tiền, tâm đắc phúc,
Phúc bằng tiên tổ, phúc hà sa".
Bởi vậy, từ bậc vương giả đến thứ dân ai cũng mong được phúc, đều muốn có được chữ Phúc để thờ. Trên các bìa lịch xuân gần đây bán chạy nhất vẫn là bìa mang chữ Phúc. Còn chữ Hòa, chữ Nhẫn thì sách xưa nói rằng: "Hòa vi quý", "Hòa khí sinh tài". Với chữ Nhẫn hiểu theo lối triết tự thì Nhẫn do hai chữ Đao (dao) và Tâm (tim) ghép thành: Dao trên, Tim dưới. Tỏ ý dao đâm thẳng vào tim vẫn bình tĩnh như thường mới là người nhẫn, nên có câu:
"Chữ Nhẫn là chữ tượng vàng,
Ai mà nhẫn được mọi đàng mọi hay"
Bởi thế Hòa và Nhẫn là cách xử thế của người đời, không chỉ trong nhà mà với cả lân bang.
Chọn chữ để thờ, nhiều nhà còn chọn câu đối để thờ. Câu đối có khi viết bằng chữ Hán, có câu viết bằng chữ Nôm, gần đây có câu viết bằng chữ quốc ngữ:
"Tổ tông công đức thiên niên thịnh
Con cháu thảo hiền vạn đại hưng".
Và: "Trung hiếu trì gia viễn
Đức nhân xử thế trường"
Nghĩa là: "Lấy trung hiếu giữ nhà bền vững
Dùng đức nhân xử thế lâu dài"
Hoặc như: "Cần kiệm trì gia, gia nghiệp thịnh
Thi thư giáo tử, tử tôn hiền"
(Lấy cần kiệm giữ nhà thì nghiệp nhà phồn thịnh
Dùng sách dạy con sẽ được con cháu thảo hiền).
Đó là sự ngợi ca, là sự kế tục, là phương châm xử thế ở đời. Nên thờ chữ là thờ cái đẹp, thờ đạo làm người, mong con hơn cha, có phúc, có phần là vậy.
Thờ chữ và chữ thờ không đơn thuần là lối đảo chữ, đảo từ mà đó là tâm, là trí. Nếu thờ chữ là đạo, tôn thờ đạo lý làm người thì chữ thờ là chọn đạo thờ cho chính cho minh. Mỗi nhà, mỗi người có một hoàn cảnh, một ý tưởng, một sở thích riêng. Mỗi đền thờ một bậc thánh nhân. Mỗi làng có một truyền thống, một không gian văn hóa nên chữ thờ không phải các vùng, các nhà như nhất.
Bởi vậy, bức đại tự: "Vạn thế sự biểu" chỉ thấy ở miếu văn bức "chính thống thủy" (mở nền chính thống) chỉ thấy ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình). Hai chữ "Chính tâm", "tu thân" viết như bức họa: hình người đứng gác chỉ thấy ở tam quan chùa, còn như chữ: "thánh cung vạn tuế", "lưu đức, lưu ân", "Hộ quốc tý dân" thì nhiều đền thờ các bậc phúc thần đều có. ở các từ đường dòng họ bên cạnh các chữ "ẩm hà tư nguyên" (uống nước nhớ nguồn), "phục kỳ thủy" (quay về nguồn cội); "hữu khai tất tiền" (có mở mang hiển đạt là nhờ phúc ấm đời trước) lại thấy chữ "Khai tiên" (rút gọn của chữ: hữu khai tất tiên) và các chữ "Hợp kính", "Đồng tôn" viết theo lối chữ chân, chữ thảo treo hai bên tả hữu miếu đường.
Trải qua nhiều năm chiến tranh, lại một thời Hán ngữ suy vi, giờ đây tục thờ chữ đang được phục hồi. Đó đây hình ảnh "ông Đồ" trong thơ Vũ Đình Liên lại trở về nơi thôn dã. Nhiều nhà đã rước chữ Nhân, chữ Phúc về thờ. Các bức hoành phi, câu đối được sơn thếp lại và treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Dịp đầu xuân, các nhà xuất bản cho ấn hành các bìa lịch với các chữ đề vừa có ý nghĩa cao sâu, vừa đẹp, vừa xuân. Một số cơ sở mỹ nghệ đã chế tác các bức đại tự, câu đối để bán cho người ưa thích, vào các nhà nhìn chữ thờ lòng dạ thêm vui, chữ Đức, chữ Tâm ngày thêm nảy nở.
Đỗ Trọng Am