Để chủ động ứng phó với thực tế này, duy trì "mục tiêu kép" vừa phòng dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải thực hiện đồng bộ, linh hoạt các biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh.
Trong bối cảnh dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các giải pháp càng thiết thực, hiệu quả bao nhiêu thì càng góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh bấy nhiêu để kinh tế - xã hội phát triển ổn định, đời sống nhân dân được bảo đảm.
Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, đời sống xã hội đã đổi thay trên nhiều phương diện khác nhau. Trong đó, từ chế độ sinh hoạt hàng ngày của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi giải trí đều phải tuân theo các quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt.
Ban đầu là quy định mang tính bắt buộc nhưng sau đó dần trở thành thói quen của rất nhiều người dân là đeo khẩu trang ở nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cũng vì dịch bệnh xuất hiện mà hình thức kinh doanh trực tuyến (online) nở rộ với những dịch vụ sáng tạo, an toàn, hiệu quả phù hợp với yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, vận tải…
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh việc thực hiện hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Ngành Y tế tập trung triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch COVID-19, xác định không để dịch bệnh quay trở lại là nhiệm vụ hàng đầu của ngành.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành phố, Ninh Bình có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT đứng thứ 3 toàn quốc; các cơ sở giáo dục đã tích cực chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ khai giảng năm học mới 2020-2021 và sẵn sàng phương án ứng phó khi có dịch lây lan trong cộng đồng. Chúng ta đang dần từng bước chung sống an toàn với dịch bệnh.
Thời gian tới, để chung sống an toàn với dịch bệnh đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, vừa triển khai đồng bộ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng.
Thực tế trên địa bàn tỉnh ta, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề... hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không bị đình trệ; việc phòng, chống dịch được mọi người đồng lòng thực hiện để tiếp tục chung sống an toàn với dịch bệnh.
Sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc hỗ trợ những chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch, người lao động gặp khó khăn khi phải nghỉ việc do dịch hay những ưu đãi về thuế, về đất đai hay tài chính với các doanh nghiệp thời điểm hiện tại là những "cú hích" để mọi người, mọi nhà cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện "mục tiêu kép" trong trạng thái bình thường mới.
Từ chỗ "chống dịch như chống giặc", thực tiễn đời sống xã hội đang có những điều chỉnh tích cực "từ trong ra ngoài". Dịch COVID-19 khiến cả thế giới không riêng gì Việt Nam hay tỉnh ta buộc phải có những điều chỉnh, thay đổi. Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang thực hiện chính là cách để chung sống an toàn với dịch bệnh.
Muốn cả xã hội đồng lòng thực hiện thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đến các tầng lớn nhân dân vẫn là giải pháp nòng cốt, xuyên suốt. Cần phát huy tốt hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; khắc phục tình trạng lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm; ưu tiên mọi nguồn lực, thời gian và công sức để ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài.
Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, không để cho các đối tượng xấu đưa thông tin xuyên tạc, không đúng về tình hình dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19. Tập trung phát triển mạnh thị trường nội địa, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội để khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19, đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Bùi Quang