Đồng chí Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Những năm gần đây, cùng với việc tập trung tăng diện tích cây ăn quả theo hướng chuyên canh, vấn đề chất lượng quả cũng được nông dân đặc biệt quan tâm. Những giống kém chất lượng đã được nông dân thay thế dần: Bưởi được thay thế bằng giống bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng; xoài được thay thế bằng các giống xoài Tượng, xoài Đài Loan; nhãn là các giống nhãn lồng, nhãn muộn... Nhiều tiến bộ kỹ thuật cũng được ngành nông nghiệp chuyển giao cho nông dân như: Kỹ thuật bón phân cân đối, kỹ thuật trồng xen, kỹ thuật để cỏ trong vườn để chống bốc thoát hơi nước tạo sự cân bằng sinh thái cho vườn cây, kỹ thuật trồng dứa có che phủ nilon, kỹ thuật tỉa cành, tỉa tán, bao quả. Nhiều giống cây trồng mới cũng được đưa vào trồng thử nghiệm như giống thanh long ruột đỏ, giống chuối tiêu hồng, ổi Đài Loan..., giúp cho nhà vườn có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha đối với ổi Đài Loan, dứa, thanh long ruột đỏ, chuối.
Đặc biệt trên địa bàn thị xã còn có Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) - một trong 6 trung tâm chế biến thực phẩm và quy mô nhất cả nước. Hàng năm, Công ty tiêu thụ hàng chục nghìn tấn, rau hoa quả các loại, góp phần đưa các sản phẩm rau hoa quả của Tam Điệp đến với hơn 30 thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sản phẩm của DOVECO đã chiếm được cảm tình của khách hàng và được đánh giá cao. Trong đó Mỹ là thị trường chính, chiếm tới 65% sản phẩm, gồm: Dứa cô đặc, dứa lạnh, vải lạnh, dưa chuột bao tử và đồ uống các loại.
Tuy nhiên, thực trạng kinh tế vườn ở Tam Điệp thời gian qua cho thấy, việc phát triển cây ăn quả vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài cây dứa là loại cây chủ đạo, sản phẩm được Công ty bao tiêu thì các loại cây ăn quả khác phần lớn nông dân "tự bơi" từ sản xuất đến tiêu thụ; nhiều loại cây ăn quả chưa phát huy được lợi thế, chất lượng quả chưa đủ sức cạnh tranh thị trường, giá cả bấp bênh…
Đánh giá đúng thực trạng, tổ chức lại sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi là hướng đi bắt buộc với cây ăn quả của Tam Điệp trong thời kỳ hội nhập. Trên cơ sở này, Tam Điệp đang tập trung nghiên cứu quy hoạch và đề ra chương trình phát triển cây ăn quả theo hướng hội nhập, bền vững. Trong đó xác định cây dứa vẫn là loại cây chủ lực để tập trung đầu tư, bên cạnh đó đưa thêm một số giống cây có tiềm năng phát triển như: ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, na. Với 2 cây trồng nhãn và vải sẽ tập trung cải tạo, lai ghép sang các giống có chất lượng cao...
Trên cơ sở quy hoạch, phát triển cây ăn quả, trong đó đặc biệt chú ý các giống chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao, cần tiến hành một cách đồng bộ, chặt chẽ để tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững. Đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế vườn; vấn đề bảo quản, chế biến, vận chuyển và tổ chức tiêu thụ, chú trọng dự báo thị trường.
Để có khối lượng nông sản xuất khẩu lớn cần quy hoạch sản xuất thành vùng chuyên canh có năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng đồng đều, phòng trừ sâu bệnh tốt, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó chất lượng sản phẩm và giá thành hạ là hai yếu tố quyết định tạo thế cạnh tranh.
Khuyến khích nông dân trồng cây ăn quả trên quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công tác giống, công nghệ tiên tiến bảo quản trái cây, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bài, ảnh: Hà Phương