Theo chân các bác trong Hội Cựu chiến binh thị xã Tam Điệp, chúng tôi đến thăm nhà ông Phạm Đức Thu (thương binh hạng 3/4 ở xã Yên Sơn), một trong những người được Hội CCB thị xã giúp đỡ xây nhà "Nghĩa tình đồng đội".
Dù khá mệt do tuổi đã cao và do vết thương chiến tranh tái phát, nhưng khi có đồng đội đến thăm, ông Thu rất vui và ngồi trò chuyện thân tình, cởi mở. Ông tâm sự, từ khi được ở trong ngôi nhà mới, tôi thấy mình khỏe hơn, không phải lo lắng mỗi khi mưa gió. Các con, cháu trong gia đình cũng phấn khởi, yên tâm và cố gắng vươn lên...
Bị thương trong một trận càn của địch năm 1967 tại chiến trường Quảng Trị, thương binh Phạm Đức Thu được chuyển ra Bắc điều trị. Cùng năm đó, ông trở về quê hương Yên Đồng (Yên Mô) lập gia đình rồi năm 1975 ông đã tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Yên Sơn (Tam Điệp). Kể từ đó tới nay, ông và gia đình đã gắn bó và coi nơi này như quê hương thứ 2 của mình.
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Thu không kể nhiều về khó khăn, gian khổ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt vì ông cho rằng thời đó ai mà chẳng như vậy, hơn nữa so với đồng đội ông còn may mắn hơn nhiều người vì còn sống và trở về. Ông Thu kể nhiều về việc đã được đồng đội, bà con nơi xóm nhỏ này tận tình giúp đỡ.
Đã 3 năm qua, kể từ khi người vợ của ông mất, các con ở riêng, kinh tế khó khăn nên mọi việc đều nhờ bà con lối xóm giúp đỡ. Đầu năm 2008, được sự giúp đỡ của Hội CCB thị xã, gia đình ông đã xây ngôi nhà mới khang trang với đầy đủ công trình phụ. Tổng kinh phí xây dựng hơn 18 triệu đồng, trong đó Quỹ "Nghĩa tình đồng đội" thị xã Tam Điệp ủng hộ gần 11 triệu đồng, còn lại là của gia đình, anh em, bạn bè đồng đội và bà con thôn xóm giúp đỡ.
Trường hợp ông Thu là một trong số rất nhiều người đã nhận được sự giúp đỡ của Hội CCB thị xã trong việc sửa chữa, nâng cấp, xây nhà ở. Đầu năm 2008, Hội CCB thị xã đã phát động hội viên tham gia ủng hộ Quỹ "Nghĩa tình đồng đội" với tổng số tiền thu được trên 22 triệu đồng. Số tiền này đã được dùng để hỗ trợ các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, nâng cấp, xây nhà ở.
Ngoài ra, các cơ sở Hội còn tích cực tham gia nhiều phong trào như: Hội viên giúp nhau xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu, nhất là tập trung giúp đỡ hội viên thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam...
Trao đổi với ông Bùi Đình Đường, Phó Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội thị xã Tam Điệp, được biết: Hiện nay, số đối tượng đang hưởng chính sách trên địa bàn thị xã là 7.396 người, trong đó có 399 thân nhân liệt sỹ; 923 người là thương, bệnh binh; 86 người bị nhiễm chất độc da cam; 4 mẹ Việt Nam Anh hùng (2 người còn sống) và nhiều đối tượng chính sách khác.
Đến nay, thị xã đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận, giải quyết các tồn đọng về chính sách trong thời kỳ kháng chiến. Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công đã phát triển rộng khắp, mang lại hiệu quả cao, như phong trào tặng sổ tình nghĩa, xây nhà tình nghĩa, áo lụa tặng bà... được quần chúng nhân dân tích cực ủng hộ.
Từ năm 1995 đến nay, toàn thị xã đã có 780 đối tượng chính sách được tặng sổ tình nghĩa với số tiền 70 triệu đồng; 68 nhà tình nghĩa đã được xây dựng và sửa chữa với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng; 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đoàn thể nhận chăm sóc và phụng dưỡng suốt đời.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" cũng được thị xã quan tâm, chú trọng, sau 13 năm phát động, toàn thị xã đã ủng hộ được trên 1 tỷ đồng. Số tiền trên được sử dụng hỗ trợ thăm hỏi các gia đình chính sách khi ốm đau, gặp khó khăn, tạo vốn phát triển sản xuất... góp phần quan tâm chăm sóc tốt hơn đời sống của các gia đình thương binh, liệt sỹ và những người có công.
Ngoài việc hưởng thụ văn hóa từ các công trình công cộng, hàng năm, Tam Điệp còn tổ chức cho các gia đình thương, bệnh binh đi tham quan, du lịch, điều dưỡng...
Nhờ những hoạt động thiết thực, nghĩa tình của toàn Đảng bộ và nhân dân thị xã mà đến nay, hàng nghìn đối tượng chính sách được sống trong sự đùm bọc yêu thương, sẻ chia như một đại gia đình để từ đó họ sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, làng xóm, quê hương.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa