Đây là bước đột phá, đổi mới trong công tác cán bộ, từng bước khắc phục những hạn chế của phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. Nhân dịp này, Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, mục đích của việc triển khai thực hiện Đề án Thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng? Đồng chí Trương Đức Lộc: Chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng là một nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm từng bước đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Để thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và ban hành Đề án Thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương ở các cơ quan đảng, đoàn thể, nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; sau đó rút kinh nghiệm hoàn chỉnh nội dung, quy trình thi tuyển báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Ngày 14-3-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định về việc ban hành Đề án trên. Thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng nhằm tạo bước đột phá, đổi mới trong công tác bổ nhiệm cán bộ, từng bước khắc phục những hạn chế của phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. Thông qua thi tuyển lựa chọn được những người có đức, có tài, có năng lực thực sự nổi trội để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thi tuyển cũng tạo cơ hội để công chức, viên chức trẻ tham gia "thử tài", từ đó góp phần tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, có trình độ, năng lực, tạo nguồn cán bộ kế thừa có chất lượng cao để dần đảm đương những trọng trách trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
P.V: Yêu cầu đặt ra của việc thi tuyển là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trương Đức Lộc: Việc thực hiện thí điểm thi tuyển phải đảm bảo 4 yêu cầu, thứ nhất đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ. Thứ hai, thi tuyển phải đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, mang tính cạnh tranh lành mạnh. Thứ ba, điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức danh thi tuyển phải cụ thể, rõ ràng và công khai rộng rãi để cán bộ, công chức, viên chức được biết và tham gia thi tuyển. Thứ tư, thực hiện tốt các quy định và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh trong công tác cán bộ, đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
P.V: Quy trình và cách thức tiến hành thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng đợt này được xác định như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trương Đức Lộc: Theo Đề án của tỉnh, các cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển thành lập Hội đồng thi tuyển, số lượng 7 hoặc 9 người; ngoài các thành viên Hội đồng thi tuyển, cơ quan, đơn vị mời lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở chuyên ngành tham gia với vai trò hướng dẫn, giám sát việc thi tuyển. Về nguyên tắc, mỗi chức danh thi tuyển phải có từ 2 ứng viên trở lên tham gia thi tuyển. Các ứng viên tham gia thi tuyển phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. ứng viên dự thi phải trải qua 2 phần thi, bao gồm phần thi viết chương trình hành động và phần thi trình bày chương trình hành động. ở phần thi trình bày chương trình hành động, các thành viên Hội đồng thi tuyển sẽ nêu câu hỏi yêu cầu ứng viên dự thi trình bày làm rõ một số vấn đề nêu trong chương trình hành động và trả lời các câu hỏi xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý có liên quan đến chức danh thi tuyển. Hình thức thi trên đảm bảo cho nguyên tắc cạnh tranh theo hướng kiểm tra về kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết toàn diện ở người lãnh đạo, quản lý, đặc biệt thông qua việc trả lời các câu hỏi, các ứng viên cũng sẽ thể hiện được kỹ năng lãnh đạo, quản lý, khả năng triển khai thực hiện công việc để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người trúng tuyển là người đạt kết quả thi tuyển cao nhất và được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm theo phân cấp.
P.V: Xin đồng chí cho biết hiện nay tỉnh ta đã có bao nhiêu đơn vị đăng ký tổ chức thi tuyển?
Đồng chí Trương Đức Lộc: Tính đến ngày 26-3-2013, có 49/49 đơn vị thuộc phạm vi áp dụng đã tổng hợp báo cáo về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Số đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và dự kiến chức danh thi thí điểm là 33/49 đơn vị. Trong đó khối huyện, thành, thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc tỉnh có 9/10 đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và dự kiến chức danh thi thí điểm với tổng số chức danh có nhu cầu bổ nhiệm là 52; số chức danh dự kiến thi thí điểm là 17 (cấp trưởng 7, cấp phó 10); khối sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương có 24/39 đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và dự kiến chức danh thi thí điểm, tổng số chức danh có nhu cầu bổ nhiệm là 103, số chức danh dự kiến thi thí điểm là 33 (cấp trưởng 11, cấp phó 22). Như vậy, trong năm 2013, sẽ có 33 đơn vị tiến hành thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, với tổng số chức danh dự kiến thi thí điểm là 50 chức danh.
P.V: Mục đích, ý nghĩa của việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng đã rõ. Đây là cách làm mới, do vậy sẽ có những thuận lợi, khó khăn. Theo đồng chí vấn đề gì cần phải hết sức quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện?
Đồng chí Trương Đức Lộc: Có thể nói, việc xây dựng và ban hành Đề án thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng là bước đột phá, đổi mới một cách mạnh mẽ về công tác cán bộ. Đây cũng là khâu rất quan trọng, nếu chọn đúng người, đúng việc sẽ đem lại hiệu quả rất lớn và ngược lại. Đối với tỉnh ta, đây là việc làm mới, song trong cả nước, đến nay đã có nhiều địa phương đã thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo như Đà Nẵng, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam... Các địa phương làm thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo nhìn chung đã lựa chọn được những cán bộ chủ chốt có đức, có tài đảm đương công việc ở các ngành, địa phương, đơn vị. Cách làm của các địa phương trên sẽ giúp chúng ta có thêm những kinh nghiệm quý trong quá trình triển khai thực hiện. Để triển khai thực hiện tốt việc thi tuyển, trước hết chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong thi tuyển cũng là yếu tố quan trọng để công tác tuyển chọn đạt hiệu quả cao, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Thi tuyển một cách công bằng không những nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bởi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn lúc sinh thời.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thu Thủy (Thực hiện)