Tỉnh Ninh Bình tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc từ năm 2005, đến nay toàn tỉnh có gần 2.000 lao động đang làm việc tại thị trường này.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 trở lại đây, tình trạng người lao động không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã phát sinh. Việc người lao động hết hạn hợp đồng không về nước là vi phạm pháp luật của Hàn Quốc, đồng thời vi phạm quy định của Việt Nam về xuất khẩu lao động. Tình trạng này làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và hậu quả là Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc chưa ký gia hạn Bản ghi nhớ (MoU) về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã hết hiệu lực từ ngày 29-8-2012. Như vậy đồng nghĩa với việc có hàng ngàn lao động Việt Nam mất cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc. Phía Hàn Quốc cũng không tổ chức các kỳ kiểm tra tiếng Hàn mới cho người lao động để tuyển chọn lao động và cũng không giới thiệu trên mạng hồ sơ của những lao động để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nhiều giải pháp ở cả trong nước và tại Hàn Quốc để giải quyết vấn đề này như: Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình động viên người lao động về nước đúng thời hạn; áp dụng hạn chế tuyển chọn lao động của một số xã, phường có nhiều người lao động cư trú bất hợp pháp; tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động trước khi xuất cảnh; thay đổi cách thức tuyển chọn người lao động… Phía Hàn Quốc cũng đã và đang áp dụng những ưu đãi nếu người lao động Việt Nam về nước đúng thời hạn. Theo đó, những lao động mẫu mực trong suốt thời gian 4 năm 10 tháng hoặc 6 năm làm việc hợp pháp liên tục cho một chủ sử dụng, không chuyển xưởng lần nào, về nước đúng hạn sau 3 tháng sẽ được làm thủ tục trở lại Hàn Quốc mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn...
Đối với tỉnh ta, ngày 16-8-2013, UBND tỉnh có công văn số 182 về việc vận động người lao động của địa phương làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về xuất khẩu lao động, nhất là chương trình hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc trên hệ thống thông tin đại chúng. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn thông báo đến từng gia đình có con em đang cư trú bất hợp pháp để yêu cầu các gia đình kêu gọi con em về nước; củng cố hồ sơ xử lý, tham mưu xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về những lợi ích khi lao động về nước đúng thời hạn cũng như tác hại của việc cư trú bất hợp pháp. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thành phố trong toàn tỉnh mở hội nghị chuyên đề về vấn đề này, đồng thời yêu cầu các địa phương, gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc ký cam kết vận động con em mình về nước đúng thời hạn, tạo tiền đề tốt cho hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đó, tỉnh Ninh Bình đã góp phần cùng với các địa phương trong cả nước kiềm chế được tình trạng lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc khi đã hết hạn hợp đồng lao động. Để ghi nhận sự nỗ lực này từ phía Việt Nam, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã hai lần ký lại Biên bản ghi nhớ đặc biệt (MOU đặc biệt) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đối tượng áp dụng trong Biên bản ghi nhớ đặc biệt này là những lao động đã thi đỗ trong các kỳ thi tiếng Hàn nhưng chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn và những đối tượng là những lao động về nước đúng thời hạn và đã đạt một trong các kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt tổ chức sau tháng 12-2011 mà chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Biên bản ghi nhớ MOU năm 2016 này mới thực sự đánh dấu sự "khơi thông" trở lại đối với thị trường lao động Hàn Quốc. Theo đó, với Biên bản ghi nhớ MOU năm 2016 đã mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, chứ không bị hạn chế về đối tượng tham gia như những Biên bản MOU trước đây. Đây thực sự là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam, trong đó có rất nhiều lao động tỉnh Ninh Bình đang có nguyện vọng tham gia vào thị trường lao động này.
Với những thuận lợi đó, từ đầu năm tới nay, tỉnh ta đã có gần 100 lao động được tiếp nhận vào thị trường Hàn Quốc, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội khác cho lao động đang có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để tránh lặp lại tình trạng như năm 2012, các giải pháp tuyên truyền vẫn tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của những người đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, thiết nghĩ cùng với những giải pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng thì một vấn đề "sống còn" đó là bản thân người lao động phải tự hành động để thay đổi tương lai của chính họ và hàng ngàn lao động khác. Đó là phải khẩn trương thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức trong việc chấp hành nghiêm những quy định pháp luật của đất nước Hàn Quốc.
Nguyễn Hùng