Công ty TNHH MCNEX VINA (Khu Công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Module camera và các linh kiện điện tử. Thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp đã phải cho hàng trăm lao động nghỉ việc. Đến nay, toàn bộ số lao động này đã được quay trở lại làm việc, thậm chí Công ty đã và đang tuyển thêm khoảng 1 nghìn lao động nữa.
Chị Doãn Thị Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty MCNEX VINA cho biết: Thích ứng với tình hình dịch bệnh, ngay từ ban đầu chúng tôi đã tìm được nguồn hàng chất lượng cao ở trong nước để giải quyết những khó khăn về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời, cố gắng ký kết các hợp đồng mới. Nhờ vậy, hiện nay, hoạt động sản xuất của Công ty cơ bản ổn định, hầu hết lao động đã được gọi quay trở lại làm việc với mức lương không thay đổi.
Tại Công ty TNHH Công nghiệp Chia Chen (Khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh) mặc dù còn nhiều khó khăn do giảm số lượng đơn hàng nhưng thời điểm này, thay vì cho công nhân làm việc luân phiên 3 ngày/tuần thì Công ty đã bố trí được việc làm 5 ngày/tuần, nhờ vậy thu nhập của công nhân được cải thiện đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Anh (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh), một công nhân đã gắn bó với Công ty gần 5 năm cho biết: Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, con còn nhỏ, nhà lại phải đi thuê, thời điểm nghỉ dịch, phải làm việc luân phiên, thu nhập giảm gần một nửa, khiến cho mọi sinh hoạt của gia đình trở nên khó khăn. May mắn là tình trạng này chỉ diễn ra trong tháng 4 và tháng 5. Từ tháng 6 đến nay, công việc nhiều hơn, chúng tôi cảm thấy yên tâm gắn bó với Công ty.
Trao đổi với anh Bùi Hữu Tùng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty, được biết: Để đảm bảo đời sống cho công nhân, Công đoàn đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp cố gắng giữ nguyên các chế độ phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên, tiền sinh hoạt…, số tiền tuy không nhiều (từ 1-2 triệu đồng) nhưng cũng phần nào chia sẻ khó khăn với người lao động. Đây cũng là cách để "giữ chân" họ.
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã làm xáo trộn và gây ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Việc không có nguyên liệu sản xuất cũng như không tiêu thụ được hàng hóa làm ra khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khốn đốn. Các doanh nghiệp đã buộc phải áp dụng một số biện pháp như: giảm giờ làm việc, cho lao động nghỉ không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ hưởng lương tối thiểu vùng hoặc lương cơ bản, tổ chức làm việc các ngày luân phiên, chuyển sang công việc khác, tạm hoãn hợp đồng lao động,…
Theo thông tin từ Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh: Có khoảng 12 nghìn lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn đã bị ảnh hưởng về việc làm và thu nhập. Sau nhiều tháng "chiến đấu" với dịch bệnh COVID-19 và gần 1 tháng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, bắt đầu từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất và gọi công nhân trở lại làm việc, thậm chí đăng tuyển thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa trong tình hình mới.
Cụ thể như: Công ty TNHH Great Global International, Công ty TNHH YG Vina (Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn);Công ty TNHH ADM 21 (Khu Công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh)… đều đã tuyển dụng lại những công nhân mà trước đó đã bị tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với mức lương tương đương như trước đây. Để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, một số công ty còn duy trì các chế độ phúc lợi, tính nối thâm niên cho những công nhân đã chấm dứt hợp đồng lao động. Đây là tín hiệu lạc quan đối với thị trường lao động.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và khó khăn đối với doanh nghiệp chưa dừng lại ở đây. Chị Doãn Thị Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty MCNEX VINA cho biết thêm: "Với những diễn biến mới của dịch COVID-19 những ngày qua thì thời gian tới chúng tôi cũng không chắc chắn được về các đơn hàng. Tình hình lao động, việc làm sẽ phải cập nhật từng ngày".
Có thể thấy thị trường lao động đã được cải thiện nhưng chưa thực sự ổn định, không phải bất kỳ người lao động nào cũng được chia đều cơ hội việc làm như nhau. Sự tác động của dịch bệnh khiến doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với tình hình mới. Dự báo doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhóm nhân sự cấp thấp, ít có kinh nghiệm, ưu tiên tuyển dụng những người lao động có trình độ, tay nghề chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt…
Vì thế, bản thân mỗi người lao động cần kịp thời trang bị cho mình những điều kiện cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, đảm bảo đời sống, việc làm của bản thân và gia đình. Về phía doanh nghiệp cũng không quên đặt sự an toàn của nhân viên lên hàng đầu. ở những môi trường làm việc tập trung đông người, vẫn phải duy trì thói quen mang khẩu trang, sát khuẩn tay, giãn cách để tránh lây bệnh.
Hà Phương