Theo dõi, bám sát tình hình dịch COVID-19 để có giải pháp phù hợp trong công tác thu ngân sách
Thứ Tư, 15/09/2021, 06:08
Zalo
Lũy kế đến hết tháng 8/2021, Cục Thuế Ninh Bình thu được 9.032 tỷ đồng, bằng 75,4% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 102,5% so với cùng kỳ. Ông Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình cho rằng, kết quả đạt được là khá tích cực, tuy nhiên trên thực tế, do tác động của dịch COVID-19 số thu đang có sự sụt giảm rõ nét. Để hoàn thành dự toán thu năm 2021 là hết sức khó khăn và cần có những giải pháp phù hợp với từng tình huống thực tế.
Theo dõi, bám sát tình hình dịch COVID-19 để có giải pháp phù hợp trong công tác thu ngân sách
Báo cáo của Cục Thuế Ninh Bình cho thấy, lũy kế đến hết tháng 8/2021, toàn đơn vị thu ngân sách đạt 9.032 tỷ đồng, bằng 75,4% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 102,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách đạt 8.566 tỷ đồng, bằng 78% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 141,5% so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất đạt 465 tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán HĐND tỉnh giao.
Ông Đinh Nam Thắng, Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình đánh giá, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, hầu hết các khu vực thu trọng điểm trên địa bàn đều có số nộp ngân sách Nhà nước đảm bảo tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao, một số khu vực có số nộp tăng cao so với cùng kỳ: khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương nộp đạt 156 tỷ đồng, tăng 29,9%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp đạt 132 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh nộp đạt 7.017 tỷ đồng, tăng 45,7%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 209 tỷ đồng, tăng 14,9%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 469 tỷ đồng, tăng 164,7%; thu lệ phí trước bạ đạt 211 tỷ đồng, tăng 22%...
Tuy nhiên, cũng theo ông Đinh Nam Thắng, mặc dù số thu ngân sách lũy kế trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn vẫn đảm bảo tiến độ nhưng thực tế trong 2 tháng gần đây có dấu hiệu giảm thu khá rõ nét. Nguyên nhân chính do đợt dịch COVID-19 thứ 4 có diễn biến phức tạp đã tác động đến hầu hết hoạt động của nền kinh tế. Đặc biệt trong các tháng gần đây, số lượng các ca mắc COVID-19 tăng nhanh.
Để phòng, chống dịch bệnh, nhiều tỉnh thành đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TT9 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, không còn nguồn lực để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh có 106 doanh nghiệp giải thể (tăng 21 doanh nghiệp so với cùng kỳ) tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức chịu đựng thấp. Trong khi đó chỉ có 65 doanh nghiệp thành lập mới. Điều này rất đáng lo ngại và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu ngân sách Nhà nước trong tháng 8.
Vừa qua, Tổng Cục thuế đã đánh giá công tác thu ngân sách tháng 8/2021 do ngành Thuế thực hiện đạt 68.852 tỷ đồng, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý là số thu của tháng 8/2021 chỉ bằng 75% so với số thu các tháng ở quý I, quý II năm 2021. Tương ứng số thu toàn ngành Thuế đã giảm 20.000 tỷ đồng.
Riêng Ninh Bình trong kỳ kê khai thuế đã giảm 300 tỷ đồng. Các tập đoàn xây dựng lớn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tại tỉnh như Viettel, VNPT... tiến độ thu chỉ bằng 50% so với cùng kỳ.
Về nguồn thu từ đấu giá đất cũng gặp không ít khó khăn. Hiện đơn vị đang rà soát các quyết định còn lại của UBND tỉnh đã ký giao đất từ quý III đến nay, có 9 dự án với tổng diện tích đất giao trên 300 ha và dự kiến thu trên 915 tỷ từ đấu giá đất. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế, con số này rất khó đạt.
Cơ quan Thuế linh hoạt các giải pháp thu thuế đối với doanh nghiệp đảm bảo vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa hoàn thành dự toán giao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dự báo công tác thu ngân sách tiếp tục gặp khó khăn trong tháng 9 và những tháng cuối năm. Để đạt được dự toán thu năm 2021 HĐND tỉnh giao, cần sự cố gắng của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ và quản lý, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt là sự cố gắng vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn.
Riêng cơ quan Thuế sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, bám sát tiến độ thu trên từng địa bàn để kịp thời đánh giá, phân tích cụ thể, đề xuất các giải pháp thu từ nay đến cuối năm đảm bảo vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành dự toán giao.
Ngoài việc tập trung thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh vào ngân sách Nhà nước, đơn vị sẽ tích cực triển khai các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Cục Thuế Ninh Bình cũng chủ động rà soát để thu kịp thời các khoản thuế được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ vào ngân sách Nhà nước khi hết thời hạn được gia hạn, không để xảy ra tình trạng người nộp thuế lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chây ỳ và nợ đọng tiền thuế. Chủ động phối hợp với các huyện, thành phố nắm bắt các thông tin để thu kịp thời tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước đối với các dự án đã hoàn thành việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý thuế, Cục Thuế Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Qua đó giúp doanh nghiệp có nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và an sinh xã hội, tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước.