Phân tích một số điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, bà Lê Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Bộ luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động, tránh trường hợp khi cần tuyển lao động, người lao động đưa ra nhiều thông tin hấp dẫn nhưng khi vào làm thì nhiều nội dung không thực hiện như thế. Quy định rõ trách nhiệm người sử dụng lao động trong đào tạo nâng cao trình độ nghề cho NLĐ như bố trí nguồn kinh phí đào tạo hàng năm và phải báo cáo kết quả đào tạo về cơ quan quản lý lao động; NLĐ học nghề không phải nộp học phí, nếu trong thời gian học nghề, tập nghề làm ra sản phẩm hợp quy cách thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do 2 bên thỏa thuận; tạo điều kiện NLĐ được tham gia đánh giá kỹ năng để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, điều này sẽ thuận lợi cho NLĐ khi đi tìm việc mới. Cũng liên quan đến hợp đồng lao động, đối với loại hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng, nếu hết thời hạn mà không ký lại coi như trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, nếu hết thời hạn không ký lại được chuyển thành hợp đồng lao động xác định thời hạn là 24 tháng.
Về chế độ tiền lương, tiền lương làm tăng giờ vào ban đêm được tăng thêm 20% so với trước đây, tiền lương thử việc của NLĐ tăng 10% so với trước đây. Ngoài ra, NLĐ thử việc nếu được nhận vào làm việc thì thời gian thử việc cũng được tính là thời gian tham gia BHXH.
Theo ý kiến của ông Phùng Minh Chung, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn có những quy định khác nhằm bảo vệ tốt hơn cho NLĐ như cơ chế đối thoại tại nơi làm việc (trở thành bắt buộc định kỳ mỗi quý 1 lần) quy định nội dung đối thoại như: tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế, cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; điều kiện làm việc; yêu cầu của NLĐ, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động; yêu cầu của người sử dụng lao động với NLĐ và những nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc. Điều này sẽ giúp cho công đoàn cấp trên không còn vất vả trong việc tuyên truyền, thuyết phục người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động đối thoại trong các dịp Tháng Công nhân như những năm trước.
Làm tốt việc này sẽ giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, góp phần hạn chế những căng thẳng trong quan hệ lao động để xảy ra những cuộc ngừng việc tập thể, đình công làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng tốt hơn mối quan hệ hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp nhằm mục tiêu đưa doanh nghiệp phát triển, NLĐ có việc làm và thu nhập tốt hơn.
Đặc biệt, một điểm mới hiện đang được rất nhiều người quan tâm là chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ kéo dài 6 tháng không phân biệt đối tượng, trong khi theo luật cũ chỉ có lao động nữ là người tàn tật mới được nghỉ 6 tháng.
Đối với tỉnh ta, để Bộ luật Lao động được thực thi nghiêm túc và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, trong phạm vi trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh, bà Lê Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị: sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực, Công đoàn rất mong có được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành chức năng, nhất là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động. Bởi thực tế hiện nay tổ chức công đoàn chỉ có thẩm quyền giám sát, phối hợp thanh tra, kiểm tra, còn xử lý vi phạm lại thuộc về trách nhiệm của những cơ quan khác.
Bà Lê Thị Mai Thủy cũng cho biết thêm: Hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký chương trình phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh trọng tâm về công tác tuyên truyền. Mỗi năm phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động ở 15 đến 20 doanh nghiệp trên địa bàn. Thường xuyên sâu sát, nắm chắc việc thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ ở các doanh nghiệp để làm việc với cơ quan quản lý Nhà nước, báo cáo với tỉnh về tình hình thực hiện.
Duy Hiền