Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước năm 2018, toàn tỉnh có 1.450 doanh nghiệp được các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chấp thuận cho vay vốn, với dư nợ 52.100 tỷ đồng, tăng 5,96% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu năm, chiếm 20,76%/tổng dư nợ cho vay.
Cùng với đó, ngành Thuế đã triển khai cấp mã số thuế doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời để giảm thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cục Thuế tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc về cấp mã số thuế, đăng ký doanh nghiệp. Phân công cán bộ làm công tác đăng ký thuế thường xuyên theo dõi, kiểm tra thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư được truyền tự động qua Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế để xử lý ngay trong ngày làm việc đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, rút ngắn thời gian xử lý thông tin về đăng ký doanh nghiệp còn dưới 2 ngày làm việc.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ nộp thuế nhằm rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Thời gian nộp thuế dưới 110 giờ/năm.
Đặc biệt, Sở Công thương đã hỗ trợ 31 DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu... nâng cao năng lực sản xuất, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,33 tỷ đồng.
Trong đó, Chương trình Khuyến công địa phương hỗ trợ 14 doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,55 tỷ đồng. Chương trình Xúc tiến thương mại địa phương hỗ trợ 17 doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; khảo sát, tìm kiếm thị trường tại nước ngoài với tổng kinh phí hỗ trợ là 780 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số tồn tại như việc mở rộng các dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân kinh doanh gặp khó khăn về các quy định pháp lý trong việc xác thực cá nhân. Việc triển khai các dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân cũng gặp phải khó khăn do thói quen sử dụng tiền mặt.
Công tác cải cách TTHC liên quan đến nhiều cơ quan và chỉ thành công khi mọi khâu đều quyết tâm đổi mới và thực hiện đồng bộ. Để doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự có cơ hội phát triển trở thành động lực cho nền kinh tế, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trong đó tập trung vào các giải pháp hỗ trợ tín dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tìm kiếm, tiếp cận doanh nghiệp để nhận diện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó xem xét, thẩm định và cho vay vốn, hoặc điều chỉnh giảm lãi suất, hoặc điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng...
Tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý theo chỉ đạo của tổ chức tín dụng cấp trên, theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, minh bạch thông tin tín dụng, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Ưu tiên vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp, các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và các chính sách tín dụng ưu đãi khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sở Công thương cũng xây dựng Chương trình Khuyến công địa phương hỗ trợ 10 doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.050 triệu đồng. Chương trình Xúc tiến thương mại địa phương: hỗ trợ 29 doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; khảo sát, tìm kiếm thị trường tại nước ngoài với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.280 triệu đồng.
Hội đồng KH&CN tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí sự nghiệp KH&CN cho các doanh nghiệp KH&CN, DNNVV trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất thông qua việc giao thực hiện đề tài, dự án. UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp KH&CN, thành lập Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp thông qua hệ thống Đài truyền thanh các cấp, qua Website ở địa phương, qua các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, qua gửi văn bản, qua các hội nghị phù hợp.
Các ngành phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân nhằm tăng cường trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động, cung cấp nguồn lao động có trình độ.
Hướng dẫn chi tiết việc thực hiện cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN. Chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp và các địa phương thuận lợi trong việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển khoa học công nghệ và các chương trình, dự án phát triển KH&CN.
Nguyễn Thơm