Trước đây gia đình chị Phạm Thị Loan, xóm 7C, xã Cồn Thoi (Kim Sơn) thuộc diện hộ nghèo của xã. Nguyên nhân là do chồng chị sức khỏe yếu, mọi nguồn thu, chi tiêu của gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng nên gặp nhiều khó khăn, trong khi anh chị phải nuôi 3 con đang tuổi ăn học và các chi phí sinh hoạt trong gia đình… Cuộc sống thiếu thốn triền miên khiến anh chị nhiều khi mặc cảm và mệt mỏi. Rồi qua những buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ, chị Loan được tìm hiểu và thấy hứng thú với nghề nuôi trồng thủy sản; đặc biệt, được sự tư vấn, tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng và vốn của Quỹ hội phụ nữ, chị Loan quyết định đấu thầu 3 ha đất ở vùng bãi bồi đê Bình Minh 3 để nuôi tôm sú và cua. Mặc dù có những vụ sản xuất không thành công, nhưng qua đó giúp chị Loan có thêm kinh nghiệm, đồng thời học hỏi thêm trong các buổi chuyển giao KHKT của hội phụ nữ, qua sách báo, những hộ nuôi thả trước đó, dần dà chị đã nuôi thả thành công các con nuôi thủy sản theo mùa vụ, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn có điều kiện hoàn trả vốn vay và tích lũy quay vòng đầu tư nuôi trồng thủy sản, thực sự nguồn quỹ của Hội phụ nữ đã phát huy tác dụng đối với gia đình chị Loan.
Đối với chị Đinh Thị Nở, thôn Lãng Nội, xã Gia Lập (Gia Viễn) thì cuộc sống không hề dễ dàng bởi chị không được lành lặn, khỏe mạnh như những người phụ nữ bình thường. Là người khuyết tật, thường xuyên bị đau ốm, đều đặn hàng tháng phải đến bệnh viện lấy thuốc để duy trì cuộc sống… Việc nặng nhọc không làm được, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Chị Nở được Chi hội phụ nữ thôn phối hợp với cơ sở thêu ren Sơn Lâm đứng chân trên địa bàn dạy nghề miễn phí và nhận vào làm việc tại cơ sở với mức thu nhập đủ đảm bảo cho một cuộc sống bình dị. Chị Đinh Thị Lâm, chủ cơ sở sản xuất thêu ren Sơn Lâm, xã Gia Lập (Gia Viễn) cho biết, là cơ sở thêu ren truyền thống, nhận thấy hiện nay có một bộ phận chị em phụ nữ mắc bệnh, khuyết tật không làm được việc nặng, chị em quá tuổi lao động trên 40 tuổi hoặc đang nuôi con nhỏ không đủ điều kiện làm việc tại các nhà máy, công ty…, nhất là được sự tạo điều kiện về chính sách, môi trường đầu tư của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở đã phối kết hợp với tổ chức hội phụ nữ đào tạo nghề, tạo việc làm cho các đối tượng. Hiện cơ sở thêu ren Sơn Lâm có gần 100 lao động làm việc thường xuyên và thời vụ, thu nhập tùy theo chất lượng sản phẩm, từ một đến vài triệu đồng/người/tháng, phần nào giúp chị em có thêm việc làm, thu nhập tối thiểu phục vụ cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo, vận động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh có kế hoạch chỉ đạo các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phong trào giúp hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Theo đó, các cấp Hội chủ động rà soát, nắm địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định rõ nguyên nhân đói nghèo, phân công cán bộ, hội viên phụ nữ có biện pháp vận động, giúp đỡ hộ nghèo theo địa bàn khu dân cư; đồng thời coi trọng việc hướng dẫn các gia đình hộ nghèo xây dựng kế hoạch trong sản xuất, chăn nuôi, sử dụng đúng mục đích vốn vay và phân công lao động hợp lý trong mỗi gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng. Trong đó vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về vốn, ngày công, khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm và kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình… Cùng với đó, các cấp Hội còn thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ tại địa phương nhằm phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo.
Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đang quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư nợ 878,4 tỷ đồng; gần 1.300 tỷ đồng nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT; nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, phụ nữ trong tỉnh đã cho nhau vay không lấy lãi 1.305 triệu đồng; hỗ trợ 2.630 ngày công; hơn 935 giống cây trồng, vật nuôi… giúp đỡ các gia đình khó khăn phát triển sản xuất. Đặc biệt, hoạt động tiết kiệm tại chỗ được xác định là khâu đột phá quan trọng, không chỉ giúp chị em có nguồn tiền dự phòng chủ động mà còn tạo thành nguồn vốn vay tại chỗ, hỗ trợ phụ nữ tự lực vươn lên vượt khó, thoát nghèo. Đến nay, 100% cơ sở Hội đã thành lập được các nhóm tiết kiệm - tín dụng tại chi hội, tổ phụ nữ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Hiện nay, tổng số tiền vận động tiết kiệm từ các loại hình là 19,2 tỷ đồng, từ đó giúp hàng nghìn phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay không lấy lãi hoặc vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Với những hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tạo động lực và trở thành điểm tựa vững chắc, giúp hội viên phụ nữ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, thi đua phát triển sản xuất. Hàng năm có hàng trăm hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được Hội giúp đỡ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương, tạo niềm vui, sự tin tưởng cho các hội viên phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: Hạnh Chi