Phóng viên (PV): Thưa ông, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang và sẽ tác động đến Ninh Bình như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới và Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng. Nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ, Ninh Bình thường xuyên bị ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân khoảng 4 - 6 cơn bão/năm.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài ngày càng gia tăng; lượng mưa thay đổi bất thường, mức độ rét đậm, rét hại, áp thấp nhiệt đới, bão lũ, hán hán, sạt lở đất, dịch bệnh kết hợp với nước biển dâng, xâm nhập mặn... đã và đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực của tỉnh cũng như của khu vực.
Cụ thể, BĐKH làm rút ngắn thời gian sinh trưởng của nhiều loại cây trồng; làm năng suất giảm khoảng 300-500 kg/ha đối với lúa, 100-200 kg/ha đối với lạc và đậu tương. Hiện tượng lũ lụt, hạn hán gây thiệt hại nặng nề về sản lượng nuôi trồng thủy sản…
Dưới tác động của BĐKH, dòng chảy mùa mưa lũ tăng và dòng chảy mùa khô giảm đang ảnh hưởng đến năng lực khai thác, điều tiết và tuổi thọ của các công trình thủy lợi. BĐKH tác động đến công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, phá hủy công trình kiến trúc, các khu vui chơi, ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch. BĐKH còn tác động đến cân bằng nước, theo kết quả tính toán, ở Ninh Bình lượng nước thiếu sẽ diễn ra ở tất cả các kịch bản BĐKH trong tương lai, trung bình từ 60-250 triệu m3/năm tùy từng khu vực (tăng 7,3% - 83,2% so với giai đoạn nền).
Theo kết quả nghiên cứu đánh giá xâm nhập mặn trên sông Đáy thì ranh mặn 1 phần nghìn sẽ tăng dần theo thời gian, đến năm 2050, ranh mặn có thể vào sâu trong đất liền 26,4 km (tăng 2,3 km so với giai đoạn nền).
Về mức độ ngập lụt do nước biển dâng, khi mực nước biển dâng 50 cm so với trung bình nhiều năm thì ở tỉnh Ninh Bình có khả năng bị ngập 3,34% diện tích toàn tỉnh. Trong trường hợp mực nước biển dâng 100 cm, trên 10% tổng diện tích của tỉnh có khả năng sẽ bị ngập. Ngược lại, trong giai đoạn hiện tại, cấp độ hạn hán lại tăng 0,2-0,4 lần so với giai đoạn 1961-2010.
PV: Để ứng phó BĐKH một cách hiệu quả, ít thiệt hại, vấn đề chủ động và phòng ngừa là quan trọng hàng đầu, vậy vấn đề này đã được Ninh Bình thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Thực hiện Công văn số 199/TTg-QHQT ngày 08/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai kết quả Hội nghị COP 22, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80 thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH.
Theo đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn dân về BĐKH, qua đó xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên; ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu có thể tái chế, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần chung tay ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành và địa phương theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Trên cơ sở rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt những ngành, lĩnh vực có tác động tiêu cực tới tài nguyên, môi trường để yêu cầu xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải một cách có hiệu quả.
Hiện nay, Ninh Bình đã đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống đê kè biển, đặc biệt là tuyến đê Bình Minh 4 cũng như các công trình đầu mối phòng chống thiên tai; xây dựng các nhà trú tránh bão cộng đồng. Đề nghị Bộ Quốc phòng bố trí nguồn kinh phí để xây dựng cầu dẫn ra Cồn Nổi, kè Cồn Nổi tạo thành thế mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch cho Kim Sơn cũng như kết hợp với mục tiêu quốc phòng an ninh và ứng phó với BĐKH.
Trong sản xuất nông nghiệp, Ninh Bình tăng cường nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa vào canh tác các giống lúa chịu mặn và những loại cây trồng chịu ngập úng, chịu mặn hoặc chuyển đổi từ lúa nước sang cây trồng cạn và chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển bằng cách du nhập và phát triển các ngành nghề nuôi trồng, chế biến hải sản,… Đặc biệt, đẩy mạnh việc trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học. Chúng ta cũng đã tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng và giám sát BĐKH.
PV: Tình hình thiên tai, BĐKH trong thời gian tới được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, theo ông Ninh Bình cần thực hiện những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngoài việc nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về BĐKH, hoàn thiện thể chế, chính sách và năng lực của đội ngũ quản lý, mỗi người dân trong toàn cộng đồng cũng phải thay đổi cách sống, thay đổi tư duy và chủ động định hướng để ứng phó.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về ứng phó BĐKH. Hiện đại hóa, tự động hóa các trang thiết bị kỹ thuật quan trắc tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH.
Tăng cường xây dựng cống điều tiết, đập tràn để giữ nước ngọt trước sự xâm nhập mặn, áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại những vùng có nguy cơ cao, trong đó, tập trung chuyển đổi các vùng ao đầm sâu trũng đang sản xuất hai vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, hoặc chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống cho phù hợp, tránh điều kiện bất lợi của thiên tai.
Thu hút các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó BĐKH.
Khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm phát thải CO2 và sử dụng các nguồn nhiên liệu mới như xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế phục vụ cho sản xuất và sinh học. Đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh các vùng đất trống, đặc biệt là trồng cây chắn sóng bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng ngập mặn.
Bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có bằng cách tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng, hạn chế việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, khuyến khích người dân địa phương tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH gây ra. Xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế sinh thái ven biển nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Phương (Thực hiện)