Được biết, BHTN là chính sách mới nhằm hỗ trợ người thất nghiệp để thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất thu nhập do thất nghiệp. Quan trọng hơn, BHTN sẽ hỗ trợ người thất nghiệp được học nghề, tìm việc làm để sớm có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống.
Gia tăng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo thông tin từ Phòng BHTN (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh), năm 2010, toàn tỉnh có 503 lượt người đến đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN. Đến năm 2012, số người đăng ký BHTN đã là 1.649 người. Và tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, con số này đã là 1.491 người. Đặc biệt, trước đây, số lao động thất nghiệp từ các nơi khác chuyển về chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động bị thất nghiệp, nhưng riêng 9 tháng đầu năm 2013, trong tổng số 1.491 lao động thất nghiệp thì số lao động thất nghiệp tại địa phương là 1.235 người.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân nghỉ việc có nhiều. Chẳng hạn như áp lực công việc cao, lương thấp, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp chưa thỏa đáng, hay nghỉ việc để… hưởng trợ cấp thất nghiệp. Còn quy định về điều kiện, thời gian tham gia đóng BHTN lại có biên độ rộng, mức hưởng trợ cấp lại hẹp (đóng vào quỹ đủ 12 tháng, 24 tháng hay dưới 36 tháng, người lao động cũng chỉ hưởng 3 tháng trợ cấp), làm cho người lao động có sự tính toán, "lách luật" bằng cách xin nghỉ việc để đăng ký thất nghiệp, hưởng trợ cấp, sau đó tiếp tục xin việc làm ở đơn vị khác...
Theo lãnh đạo Phòng Lao động tiền lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thì khái niệm "mất việc" là khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất mà cho người lao động thôi việc (tức là làm cho người lao động mất việc). Nếu đối chiếu với khái niệm này, phần lớn người lao động không bị thất nghiệp mà đều là tự ý xin nghỉ việc khi có đủ 12 tháng đóng BHXH để được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Đây là một cách "lách luật" để trục lợi, chưa kể những trường hợp thích "nhảy việc" để tìm việc mới.
Số đông người đến đăng ký thất nghiệp rơi vào nhóm lao động phổ thông, thuộc các ngành có "truyền thống" biến động về lao động như: may mặc, da giày… Điều này làm cho doanh nghiệp không ổn định về lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng lao động ở doanh nghiệp này nhưng giảm lao động ở doanh nghiệp khác, gây khó khăn trong công tác kiểm soát người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời làm tăng khối lượng công việc đối với cán bộ ngành bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo ông Đào Thanh Hải thì khi "nhảy việc" để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chỉ thấy cái lợi trước mắt mà chưa tính đến quyền và lợi ích lâu dài của mình. Bởi "nhảy việc" tìm chỗ làm mới đồng nghĩa với việc người lao động phải bắt đầu lại từ đầu ở nơi làm mới, ảnh hưởng đến chế độ, chính sách, thời gian phấn đấu trước đó, đồng thời làm gián đoạn quá trình tham gia bảo hiểm xã hội và nhiều quyền lợi khác mà chỉ người lao động gắn bó với doanh nghiệp mới có…
Hỗ trợ nhưng không muốn học nghề
Theo Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thất nghiệp trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí học nghề do Quỹ BHTN chi trả trực tiếp cho đơn vị dạy nghề.
Hiện, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đang ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề. Theo thống kê năm 2012, trong tổng số 1.429 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Trung tâm đã giới thiệu việc làm mới cho 651 lao động. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, Trung tâm đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 697 lao động. Tuy nhiên, số lao động tìm việc làm mới vẫn còn hạn chế, đặc biệt là số lao động đăng ký học nghề thì lại rất… hiếm.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh lý giải, người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành may mặc, giày da, xây dựng… Số lao động này qua quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp nên dù bị thất nghiệp thì họ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới. Trong khi đó, người lao động sau khi học nghề với thời gian 3 tháng thì có được chứng nhận bằng nghề sơ cấp. Nhưng thu nhập của người lao động trình độ sơ cấp lại không cao hơn so với lao động phổ thông, mà cơ hội được tuyển dụng lại rất hạn chế, bởi trình độ tay nghề khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ học nghề quá thấp cũng là nguyên nhân khiến người lao động bị thất nghiệp không "mặn mà" với việc học nghề mới. Theo quy định, người bị thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng và thời gian học là 3 tháng. Nhưng phí dạy nghề hiện nay đều cao hơn so với mức hỗ trợ này rất nhiều. Đơn giản như một khóa học ngắn hạn nghề may công nghiệp đã mất khoản kinh phí là 2 triệu đồng. Nếu chỉ nhận được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng thì toàn khóa học sẽ chỉ được hỗ trợ 900 nghìn đồng.
Như vậy, người lao động sẽ phải đóng thêm 1,1 triệu đồng khi tham gia khóa học nghề. Trong khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Mức hỗ trợ thấp và thời gian học ngắn như vậy khiến người lao động dù có muốn cũng không thể nào học được nghề mới. Do vậy, tâm lý chung của người lao động là chọn lao động tự do để có thu nhập duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới.
Được biết, tại các cuộc hội thảo về thực trạng dạy nghề cho lao động thất nghiệp do Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội tổ chức trong thời gian qua, một phương án được đưa ra thảo luận và nhận được sự hưởng ứng cao đó là sẽ hỗ trợ học nghề cho những lao động bị thất nghiệp do tay nghề còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thông qua lớp học này sẽ góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề để người lao động có thể dễ dàng tìm được một việc làm mới và "sống" được bằng nghề mình đã chọn.
Bài, ảnh: Đào Hằng