Bên cạnh việc chỉ rõ những kết quả trong công tác quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP, các đại biểu Quốc hội làm rõ những tồn tại, bất cập trong việc quản lý, kiểm soát chất lượng VSATTP trong thời gian qua: việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau gây khó khăn cho quá trình áp dụng luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ để kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu và lạc hậu; nhiều loại thực phẩm đang tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh đối với sức khỏe người tiêu dùng như: hóa chất bảo quản, các cơ sở giết mổ mất vệ sinh, ngộ độc thực phẩm… Vấn đề đáng quan tâm là có tới 5 Bộ quản lý vấn đề VSATTP với gần 1.000 văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được tình hình gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm… Các đại biểu đề nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết riêng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đẩy nhanh tốc độ soạn thảo dự án Luật về VSATTP.
Đại biểu Đinh Thị Ngoan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) đã đề cập đến những tồn tại trong công tác quản lý VSATTP và nêu một số kiến nghị với Quốc hội: sớm ban hành Luật VSATTP nhằm phân cấp và quy định rõ cơ quan quản lý chất lượng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để công tác quản lý đi đôi với việc xử lý kiên quyết, đủ mạnh đối với các vi phạm cả trên lĩnh vực sản xuất, chế biến, lưu thông. Kiểm tra chặt chẽ, đặc biệt là các cửa khẩu khi phát hiện các sản phẩm không đủ chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng về chất lượng VSATTP nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức VSATTP của người tiêu dùng. Tạo điều kiện cho người tiêu dùng phát huy quyền lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng VSATTP; củng cố nhân lực và nguồn lực để đảm bảo tốt hơn cho công tác VSATTP … để công tác VSATTP không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Y tế hay Bộ, ngành nào khác mà của toàn xã hội.
* Ngày 11-6, Quốc hội nghe báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 4 đến nay và tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Trong ngày tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của kỳ họp, ba Bộ trưởng: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Công thương sẽ trả lời chất vấn của các vị đại biểu xoay quanh những nội dung thuộc lĩnh vực các Bộ quản lý. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đến chiều ngày 10-6, Quốc hội nhận được 235 câu hỏi chất vấn của 118 đại biểu thuộc 46 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ và 20 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành. Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ trả lời những vấn đề mang tầm vĩ mô, những vấn đề đang được nhiều cử tri quan tâm, đòi hỏi cần phải được định hướng, giải quyết sớm…
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề và quản lý lao động; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời chất vấn về vấn đề chế biến nông sản thực phẩm; Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn về phát triển thị trường nội địa, chính sách điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, việc tách truyền tải điện khỏi ngành Điện…
Bùi Diệu