Vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, cho biết: Tổng nguồn vốn của 90 tập đoàn, tổng công ty đến 31-12-2008 là 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng. Với quy mô về vốn, tài sản, hoạt động của TÐ, TCT nhà nước có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các TÐ, TCT, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa. Nếu đánh giá một cách tổng quát hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các TÐ, TCT nhà nước theo các chỉ tiêu cơ bản thì có thể thấy: đa số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ thì khác nhau, có TÐ, TCT đạt hiệu quả cao, có đơn vị lại đạt hiệu quả rất thấp, nhưng nhìn tổng thể, vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ðánh giá một cách tổng quan, tổng vốn nhà nước đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty được bảo toàn và phát triển; tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.
Về những tồn tại và hạn chế của các TÐ và TCT nhà nước, Báo cáo nêu rõ: Một số TCT không thực hiện được nhiệm vụ bảo tồn và phát triển vốn chủ sở hữu, vốn chủ sở hữu bị giảm trong giai đoạn 2006-2008. Cụ thể, trong năm 2007, có 13 TCT vốn chủ sở hữu giảm so với năm 2006; trong năm 2008 có 14 TÐ, TCT vốn chủ sở hữu giảm so với năm 2007. Một số TCT do những khó khăn về tài chính tồn tại từ nhiều năm chưa khắc phục được, hoạt động sản xuất - kinh doanh yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát toàn bộ vốn chủ sở hữu. Phần lớn số tiền của các TÐ, TCT đầu tư vào lĩnh vực tài chính phát sinh trong hai năm 2007-2008 là giai đoạn thị trường phát triển bong bóng nên các TÐ, TCT cũng bị cuốn theo làn sóng này. Một số TÐ, TCT đầu tư với số tiền lớn trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước.
Hầu hết các TÐ, TCT nhà nước đều được Nhà nước tạo điều kiện bằng cách giao đất, cho thuê đất với giá thấp hoặc không thu tiền sử dụng đất nhưng vẫn còn một số lượng lớn diện tích đất bị bỏ không sử dụng, bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích. Việc quản lý, sử dụng tài sản là đất đai của một số TÐ, TCT chưa thật sự chặt chẽ, hợp lý.
Một số TÐ, TCT phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh quá nóng vượt khả năng tài chính và các nguồn lực khác, dẫn đến rủi ro, khó khăn khi có biến động của thị trường. Trình độ quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro của nhiều TÐ, TCT còn hạn chế. Việc đầu tư một lượng tiền khá lớn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, Quỹ đầu tư... trong khi chưa có bộ máy và nguồn lực chuyên môn đáp ứng đủ yêu cầu là một thí dụ. Tình trạng thiếu minh bạch, không cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và giám sát của cộng đồng.
Các TÐ, TCT nhà nước trở thành lực lượng vật chất để Nhà nước điều tiết nền kinh tế
Trong thời gian qua, các TÐ, TCT nhà nước đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngăn chặn đà lạm phát... Về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình rất cao Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo này đã thể hiện tổng thể lực lượng doanh nghiệp nhà nước hiện nay, tập trung là các TÐ, TCT. Ðại biểu này nhấn mạnh: Nhìn lực lượng doanh nghiệp nhà nước, tính bắt đầu quá trình đổi mới và sắp xếp từ đầu thập niên 90 cho tới nay gần hai thập kỷ, chúng ta thấy rằng với 12.000 doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu kém đầu thập niên 90 với lực lượng các TCT và doanh nghiệp nhà nước năm 2009 này, cho thấy sự lớn mạnh rõ rệt. Hiện nay, lực lượng này là trụ cột trong tất cả các ngành kinh tế. Có những vấn đề cần chia sẻ với các đại biểu, nhưng phải thừa nhận rằng, đó là quá trình đổi mới, sắp xếp, kể cả cổ phần hóa đã làm cho lực lượng doanh nghiệp đó mạnh lên thật sự chứ không phải yếu đi và vốn Nhà nước ngày càng tăng chứ không mất đi. Ðó là thành tựu cần phải khẳng định.
Ðại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác nêu rõ: Rõ ràng nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã đóng vai trò hết sức trọng yếu trong việc điều tiết, bình ổn thị trường, thực hiện các chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa hoặc đầu tư phát triển ở những vùng sâu, vùng xa. Nhiều đại biểu khẳng định, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của TÐ, TCT nhà nước trong nền kinh tế nước ta hiện nay.
Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, sau khi được nâng cấp từ các tổng công ty lên tập đoàn nhìn chung các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bên cạnh ngành, nghề kinh doanh chính đều nhanh chóng tham gia mạnh mẽ vào các ngành nghề thời thượng như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, du lịch và đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Thật sự đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả đi đầu thực hiện các chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động, dần khẳng định vai trò then chốt trong nền kinh tế, hay nói một cách khác là đã trở thành quả đấm thép của nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng sôi động và khốc liệt. Rất nhiều lĩnh vực mà nếu không có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì rất khó và không thể thực hiện được. Ðiều đó cho thấy chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước ta trong việc chuyển đổi các mô hình doanh nghiệp, xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là hết sức đúng đắn.
Ðể góp phần cho các TÐ, TCT nhà nước phát triển, đại biểu Trần Du Lịch nêu rõ: Qua thực tế hiện nay, vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm sao để tiếp tục đổi mới, tổ chức làm sao để kinh tế nhà nước, trong đó nòng cốt là các TÐ, các TCT là sức mạnh vật chất trong quá trình cạnh tranh. Ðó là mô hình phát triển hình tháp, các TÐ, TCT theo mô hình hình tháp và nhà nước không nhiều vốn, nhưng nắm đỉnh tháp và bên dưới đa sở hữu các loại cổ phần để phát triển các công ty cổ phần đại chúng. Trên tinh thần đó, đại biểu này đề nghị phải có Luật Kinh doanh về vốn. Hiện nay, nhân dân giao Chính phủ nắm một số vốn chủ sở hữu hơn 30 tỷ USD, chưa kể 365 nghìn ha mặt bằng đất đai đang kinh doanh. Như vậy, với số vốn này chúng ta cần phải có một đạo luật, bởi vì Luật Doanh nghiệp chỉ giải quyết mối quan hệ trong khung pháp lý kinh doanh luật chơi, còn mối quan hệ giữa chủ đầu tư là Nhà nước với người quản lý thì chúng ta phải có Luật về kinh doanh. Luật này chế định Nhà nước với tính cách là nhà đầu tư, chứ không phải Nhà nước với tính cách Nhà nước. Nhà nước với tư cách là Nhà nước thì Luật Doanh nghiệp đã điều chỉnh, còn Nhà nước với tính cách Nhà đầu tư, tức là người giữ 30 tỷ USD đi đầu tư thì cần một đạo luật. Nước nào cũng làm như vậy cả, chúng ta phải làm việc này càng sớm càng tốt. Thứ hai, có nhiều ý kiến đề nghị, hiện nay chúng ta nhập nhằng giữa mục tiêu là công ích. Chúng ta rà lại những ngành then chốt với số vốn lớn như hiện nay hoàn toàn có thể đầu tư để tạo nên sức bật, không cần mục tiêu về sinh lợi tài chính, nhưng nền kinh tế cần. Thí dụ hiện nay rất nhiều TCT xây dựng nhưng rất ít những công ty mạnh có tầm cỡ quốc tế để đấu thầu, chúng ta quá nhiều công ty nhưng đi làm hợp đồng phụ cho các công ty nước ngoài. Công nghiệp hóa, nhưng ngành cơ khí của chúng ta chưa phát triển, do chúng ta không đầu tư mạnh, nhiều lĩnh vực khác chúng ta không đầu tư mạnh và để vốn tràn lan. Với lượng vốn hiện nay, hơn 30 tỷ USD vốn chủ sở hữu, nếu có cơ chế và Chính phủ điều chuyển vốn này, thì chúng ta có thể tạo nên những "quả đấm" mạnh và hiệu quả chứ không phải lúc nào cũng thiếu vốn.
Quản lý chặt chẽ và minh bạch việc sử dụng vốn nhà nước
Hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến đã bày tỏ sự nhất trí cao đối với những nhận định, đánh giá mặt tích cực và hạn chế được nêu ra tại Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TÐ, TCT nhà nước.
Thảo luận về những hạn chế của TÐ, TCT nhà nước, đại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi), Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, các đơn vị này có nhiều lợi thế dẫn đến hiện tượng tùy tiện trong việc nâng giá thành một số sản phẩm thiết yếu và hoạt động đầu tư, kinh doanh... Nguồn vốn của Nhà nước tại các TÐ, TCT rất lớn nhưng chưa được quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Ðề nghị thành lập một cơ quan ngang Bộ, chuyên trách giám sát, theo dõi việc quản lý vốn của Nhà nước tại các TÐ, TCT. Mỗi doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào chuyên ngành của mình, nếu mở rộng đầu tư, kinh doanh cần phải liên quan đến ngành nghề của mình, không nên đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro; cần ban hành Luật về quản lý nguồn vốn nhà nước. Bên cạnh đó, muốn có các đơn vị mạnh, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật giỏi, có đạo đức. Cần công khai và minh bạch hơn nữa kết quả hoạt động, kinh doanh của các TÐ, TCT nhà nước để tạo lòng tin của xã hội và nhân dân đối với những đơn vị quan trọng này.
Từ thực tế hoạt động kinh doanh của một số TÐ, TCT nhà nước trên địa bàn Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần đánh giá việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước, nhất là mô hình công ty "mẹ", công ty "con" để có hướng phát triển chính xác hơn. Các doanh nghiệp nhà nước cần sớm triển khai cổ phần hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc trong việc xác định giá trị tài sản, nhất là tài sản đất cho nên không thể tiến hành cổ phần hóa. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành những chính sách phù hợp thực tế hoạt động và thực trạng hiện thời của các doanh nghiệp để việc cổ phần hóa thuận lợi hơn.
Trước hiện tượng một số doanh nghiệp nhà nước nhiều năm kinh doanh bị lỗ, nợ phải thu, nợ khó đòi cao, các đại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh), Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng), Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), Mai Xuân Hùng (Hậu Giang), Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) cho rằng, Báo cáo chưa đánh giá sâu việc nợ xấu của các TÐ, TCT nhà nước trong khi đây là vấn đề được nhân dân và cử tri quan tâm. Ðiều quan trọng là khả năng trả nợ của các đơn vị này đến đâu? Việc quản lý, giám sát việc vay vốn ngân hàng của các TÐ, TCT nhà nước đã được các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ hay chưa? Các đại biểu này đề nghị cần có những hình thức xử lý kịp thời, không để tình trạng này tiếp tục tái diễn, ảnh hưởng xấu đến nguồn vốn chủ sở hữu và uy tín của các doanh nghiệp nhà nước.
Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị, Chính phủ cần sớm rà soát những văn bản, chính sách về việc đầu tư ra bên ngoài của các TÐ, TCT nhà nước, tránh hiện tượng các đơn vị này không tập trung vào chuyên ngành của mình mà chỉ chú trọng tìm lợi nhuận ở các lĩnh vực kinh doanh khác. QH cần giám sát chặt chẽ việc giao đất cho các đơn vị nhà nước sao cho việc sử dụng tài sản nhà nước hợp lý và có kết quả tốt hơn.
Theo các đại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và một số đại biểu khác, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ là do sự xuất hiện liên tục những hoạt động đầu tư đa dạng của các TÐ, TCT nhà nước đã vượt quá khả năng kiểm soát và giám sát của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, trách nhiệm của những người đứng đầu các đơn vị này và các cơ quan liên quan trước thực trạng sản xuất, kinh doanh yếu kém nói trên ngày càng mờ nhạt. Ngoài ra, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các TÐ, TCT nhà nước, cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm giám sát, báo cáo của các địa phương nơi các doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư, hoạt động.
Nhiều đại biểu đề cập nguyên nhân khác dẫn tới thực trạng sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả là do bộ máy thực hiện quyền sở hữu nhà nước cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện chức năng chủ sở hữu và đều được xem là đại diện chủ sở hữu nhà nước. Hệ quả là không rõ cơ quan nào là đại diện sở hữu chính. Bên cạnh đó có sự lấn sân từ quản lý nhà nước sang quản lý chủ sở hữu Nhà nước và ngược lại. Hơn nữa, theo ý kiến của các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên), Mai Hữu Tín (Bình Dương), vấn đề nguồn nhân lực, trong đó có bộ phận cán bộ quản lý không chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm, chưa phân định rõ quản lý hành chính và quản lý kinh doanh, còn có sự chồng chéo trong công tác quản lý dẫn đến việc khó phân xử trách nhiệm đối với hoạt động của doanh nghiệp...
Hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được nhiều đại biểu QH quan tâm. Ðại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị nên mở rộng để một số công ty thực hiện kinh doanh vốn nhà nước, không nên để một đơn vị làm việc này. Chính phủ nên tổ chức xem xét hiện nay còn bao nhiêu TÐ, TCT kinh doanh vốn nhà nước không có hiệu quả.
Ðể khắc phục những yếu kém trong việc thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các TÐ, TCT nhà nước, các đại biểu Lý Kim Khánh (Cà Mau), Mai Xuân Hùng (Hậu Giang), Nguyễn Nhật (Hà Tĩnh), Ðặng Văn Sướng (Long An) đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao có hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước ở các TÐ, TCT nhà nước. Ðể giữ vững sự an toàn và ổn định hệ thống cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội, cần có những cảnh báo cấp thiết nhằm ngăn chặn kịp thời sự đầu cơ trục lợi của cá nhân, sự lũng đoạn thị trường và lãng phí các nguồn lực quốc gia.
Phát biểu ý kiến tổng kết buổi thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của TÐ, TCT nhà nước trong nền kinh tế nước ta; chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần được chấn chỉnh. Ðồng thời, nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi và xin ý kiến đại biểu QH có ra Nghị quyết về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TÐ, TCT nhà nước hay không. Trên cơ sở đó để xây dựng dự thảo Nghị quyết để QH xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Theo Nhandan