Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật viễn thông, các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ một số vấn đề: phạm vi điều chỉnh của Luật; cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý chuyên ngành, vấn đề thanh tra chuyên ngành về viễn thông; vấn đề phát triển thị trường, dịch vụ viễn thông thể hiện mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng về quyền và nghĩa vụ; vấn đề chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng của dịch vụ viễn thông và vấn đề quỹ công ích về dịch vụ viễn thông.
Phát biểu ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật viễn thông, đại biểu Đinh Trịnh Hải (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) nhất trí với báo cáo thẩm tra của ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường về dự thảo Luật và bổ sung 3 vấn đề:
Thứ nhất là về "quy hoạch và xây dựng các công trình viễn thông" quy định tại Điều 61 của dự thảo Luật, đại biểu Đinh Trịnh Hải cho rằng thời gian qua ngành viễn thông đã có những bứt phá, mạnh dạn đầu tư đi trước, đón đầu, đầu tư công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, đã mở ra thị trường cạnh tranh tương đối lành mạnh, cung cấp các dịch vụ viễn thông, giá dịch vụ rẻ và hợp lý đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng viễn thông trong thời gian qua bộc lộ nhiều mặt yếu kém, đó là: quy hoạch hạ tầng viễn thông chưa hợp lý, đầu tư kỹ thuật viễn thông không theo quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch, tình trạng hệ thống các đường dây viễn thông chạy lằng nhằng, chằng chịt trên các đường phố, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị và là nguy cơ gây ra các vụ cháy nổ, hỏa hoạn, tai nạn bất thường...
Về dịch vụ viễn thông công ích quy định tại các Điều 23, 24 và 25 của dự thảo Luật, đại biểu Đinh Trịnh Hải có ý kiến: các quy định tại các điều trong dự thảo Luật về dịch vụ viễn thông công ích là những quy định chưa cụ thể, còn rất chung chung, việc tổ chức hoạt động công ích đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là việc làm cần thiết nhưng chưa được quy định cụ thể.
Để khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo theo đề nghị của Chính phủ, nên quy định một điều luật về cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng này về đất đai, đầu tư về vốn, về thị trường tín dụng, về chính sách thuế và chính sách khác sẽ đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh đối với hệ thống các doanh nghiệp.
Về vấn đề kỹ thuật lập pháp, theo đại biểu Đinh Trịnh Hải, quy định của dự thảo Luật đã dành điều 4 để giải thích từ ngữ. Tuy nhiên, rải rác ở các chương và các điều dùng nhiều khái niệm, các định nghĩa nên Luật còn, đề nghị phải rà soát lại và đưa vào Điều 4 của giải thích từ ngữ, sắp xếp lại các điều luật để đảm tính khoa học, ngắn gọn và dễ hiểu của dự thảo Luật...
Trong ngày làm việc thứ 24, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và 3 Luật: Luật quản lý nợ công; Luật lý lịch tư pháp và Luật quy hoạch đô thị.
Bùi Diệu