Tổ đại biểu Quốc hội 4 tỉnh: Ninh Bình, An Giang, Bến Tre và Đồng Tháp tiến hành thảo luận với sự điều hành của đồng chí Đinh Văn Hùng, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ đại biểu.
Về 8 nhóm giải pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, làm rõ từng nguyên nhân, giải pháp để Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đưa nền kinh tế đất nước trong năm 2009 đạt kết quả cao như: Làm thế nào để nền kinh tế phát triển một cách bền vững, ổn định? Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; công tác dự báo về nền kinh tế, công tác thống kê chưa thực sự phát huy tác dụng nên vấn đề điều hành, chỉ đạo của Chính phủ còn hạn chế, dẫn đến một số chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra; hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước cần phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Chính phủ chưa có các giải pháp quyết liệt để kiểm tra, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tình trạng buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng.
Các đại biểu đã chỉ rõ các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế và nhịp độ tăng trưởng giảm dần: Công tác thu ngân sách, hiệu quả đầu tư, hiệu lực quản lý Nhà nước, công tác cải cách hành chính, công tác tham mưu, đề xuất... và đề nghị hạ mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2009.
Thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến thất thoát nguồn thu, nguyên nhân làm bội chi ngân sách. Đó là các vấn đề: việc đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu như ô tô, xe máy hiện vẫn còn kẽ hở để các doanh nghiệp nhập khẩu lách luật, kê khai đăng ký nộp thuế thấp hơn so với giá trị của sản phẩm hàng hóa: Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước góp phần làm thất thoát nguồn vốn Nhà nước; Xem xét lại các lĩnh vực để xác định khoản chi thuộc lĩnh vực nào đạt hiệu quả, chưa đạt hiệu quả; Chính phủ cần tính toán lại việc bù lỗ xăng dầu vì phần bù lỗ này góp phần khá lớn vào bội chi ngân sách Nhà nước…
Đối với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, các đại biểu cho rằng cần quan tâm đặc biệt đến việc nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là nguồn thu trong nước và cần tạo ra các nguồn thu mang tính chất lâu dài; Cần tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi hiện có trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng chính sách đặc thù để xóa đói, giảm nghèo nhanh, hiệu quả hơn; Chính sách thu ngân sách năm 2009 cần cố gắng đảm bảo kế hoạch thu trong điều kiện thực hiện một số luật thuế có tính giảm thu. Về dự toán ngân sách, các đại biểu đề nghị cần cơ cấu lại ngân sách (cả thu và chi) cho phù hợp với thực tiễn quản lý nền kinh tế trong điều kiện lạm phát, tăng thu nhưng không làm tăng gánh nặng cho nền kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách, ưu tiên đầu tư cho con người, đảm bảo an sinh xã hội, dành sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, xa… Các đại biểu đều nhất trí cao với giải pháp tăng tính kỷ luật trong chi tiêu ngân sách, đảm bảo chi tiêu hợp lý, chống lãng phí.
Bùi Diệu