Về việc bỏ hình phạt tử hình ở một số điều luật, qua thảo luận, các ý kiến nhất trí với dự thảo về việc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, nhưng trong tình hình hiện nay vẫn cần thiết giữ hình phạt tử hình ở các điều 157, 231, 316, 322, 341, 342, 343 để giữ nghiêm kỷ cương xã hội và bảo vệ Tổ quốc…
Về sửa đổi những khoản định khung, quy định hình phạt tử hình thành khung riêng ở các khung có hình phạt tử hình, có ý kiến đề nghị nên cân nhắc việc tách hình phạt tử hình thành khung riêng như trong soạn thảo. Đa số các ý kiến đề nghị để hình phạt tử hình trong khung có hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình như luật hiện hành.
Về nâng mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm, có đại biểu đề nghị nâng mức tối thiểu giá trị tiền, tài sản hoặc giá trị mức thiệt hại được tính bằng tiền làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự lên 4 lần ở 12/23 điều luật chủ yếu thuộc nhóm tội về sở hữu. Việc nâng lên 4 lần là phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội, đặc biệt là tình trạng lạm phát hiện nay. Còn 10/23 điều luật còn lại định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đã ở mức cao còn phù hợp nên chưa cần thiết phải tăng lên.
Riêng đối với tội "chiếm giữ trái phép tài sản" (điều 141), các đại biểu còn có quan điểm khác nhau về việc nâng hay giữ nguyên mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Các ý kiến thảo luận tại hội trường đều nhất trí như dự thảo lấy tiền làm căn cứ định lượng, không nên lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ định lượng vì chế định tiền lương hiện nay chưa được ổn định mà chính sách hình sự phải có sự ổn định tương đối.
Tại buổi thảo luận ngày 25/5, các đại biểu còn đề cập đến một số điều luật cụ thể như: điều 160 về tội khủng bố, tội buôn bán người (điều 119), tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi (điều 119a), tội trốn thuế, gian lậu thuế (điều 161) và các tội phạm về môi trường…
* Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Tổ đại biểu Quốc hội 4 tỉnh: Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu và Đồng Nai tiến hành thảo luận dưới sự điều hành của đồng chí Đinh Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tổ trưởng tổ đại biểu 4 tỉnh.
Theo ý kiến các đại biểu, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa vào gần hết đối tượng bảo hộ, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Đi sâu vào phân tích những nội dung còn có ý kiến khác nhau, các đại biểu trong tổ đã đề cập đến quy định trong một số điều luật có tính tương thích chưa cao với Hiệp định thương mại Việt- Mỹ như quy định về "có tính mới hoặc nguyên gốc" trong khoản 1, điều 10, "tính độc đáo về thẩm mỹ" trong điều 16 của dự thảo Luật…
Các ý kiến đề cập đến các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong phần 6, Bộ luật dân sự cần được quan tâm giải quyết thỏa đáng khi bàn thảo. Có ý kiến cho rằng, không nên quy định quyền sở hữu trí tuệ thành một phần riêng trong Bộ luật dân sự nhằm tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong vấn đề thực thi. Ý kiến khác lại cho rằng nên giữ lại phần 6 Bộ luật dân sự theo hướng hạn chế tối đa các điều khoản, chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc dưới góc độ là một quyền dân sự…
Các đại biểu đã sôi nổi thảo luận xung quanh vấn đề bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và bí mật kinh doanh. Các ý kiến cho rằng dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa 2 đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh là việc làm cần thiết bởi bí mật kinh doanh hiện nay Luật Cạnh tranh mới đề cập dưới góc độ hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh với các chế tài xử lý hành chính…
Bùi Diệu