Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 5. Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 gồm 9 chương và 91 điều.
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với những chỉnh sửa trong Dự thảo và cho rằng luật đã khá hoàn chỉnh, có thể xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là: Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề công chức, viên chức y tế khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ; việc cấp giấy phép đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thẩm quyền cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề xã hội hóa trong bệnh viện công; chính sách đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề y đức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề quản lý nhà thuốc tư nhân; trách nhiệm đầu tư của nhà nước đối với các cơ sở y tế…
Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể còn nhiều ý kiến khác nhau. Về quy định thẩm quyền cấp chứng chỉ và giá trị của chứng chỉ hành nghề, có ý kiến đề nghị Bộ Y tế chỉ quy định tiêu chuẩn quốc gia và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc cấp chứng chỉ hành nghề, còn Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế trên địa bàn và chứng chỉ có giá trị toàn quốc.
Có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế ở cơ sở y tế do Bộ Y tế quản lý và cá nhân người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh (KCB) tại Việt Nam; Giám đốc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế và chứng chỉ có giá trị toàn quốc...
Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Đa số các đại biểu đều nhất trí với việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Giáo dục hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là để phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
Ý kiến của các đại biểu tập trung vào một số nội dung chính như: Thành lập nhà trường và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học; về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học; về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; về thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ; về đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt…
Nhiều đại biểu đề nghị quy định ngay trong Luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các Hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập về vấn đề này, trong đó có tình trạng "quá tải" về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa...
Thu Trà