Đồng chí Đinh Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành thảo luận tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu và Đồng Nai. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết ban hành dự luật này nhằm đơn giản hóa các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản. Đi sâu vào phân tích, góp ý về nội dung các điều luật của dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội cho rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung về năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng, thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình… đã làm rõ hơn nội dung của quy định hiện hành, đơn giản thủ tục, giảm bớt thời gian trong các khâu thẩm định, phê duyệt, là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Một nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là vấn đề quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Qua thảo luận, các ý kiến cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật Nhà ở vì xuất phát từ thực tiễn việc tồn tại 2 loại giấy: chứng nhận quyền sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và do 2 đầu mối thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư. Việc thống nhất 2 loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện là nguyện vọng của đông đảo cử tri. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn nếu Quốc hội thông qua dự án Luật này thì cần phải triển khai ngay. Vì từ năm 2003 Quốc hội đã có nghị quyết thống nhất số đỏ, sổ hồng nhưng sáu năm qua người dân vẫn phải chờ đợi vì giữa Bộ Tài nguyên- môi trường và Bộ xây dựng chưa thống nhất được phương thức, cách làm nên chưa thực hiện được. Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, nhiều ý kiến tán thành việc giao văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm đầu mối và đề nghị văn phòng này vẫn đặt tại cơ quan quản lý đất đai ở địa phương như quy định của Luật đất đai hiện hành, nhưng cần cân nhắc về tên gọi để thể hiện đầy đủ chức năng đầu mối làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, các đại biểu chỉ rõ từ thực tiễn địa phương hiện nay các huyện, cấp xã không có văn phòng này thì việc này sẽ giải quyết như thế nào? có cần tăng thêm biên chế ở cấp cơ sở hay không, đề nghị Luật sửa đổi cần làm rõ để các địa phương dễ thực hiện… Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý nợ công và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc dự án Luật tách đối tượng doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật là chưa hợp lý vì doanh nghiệp Nhà nước được tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, cần phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng không đồng tình với quy định UBND cấp tỉnh được quyền vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có nhu cầu cấp bách….
Các đại biểu lưu ý việc hình thành, sử dụng và quản lý các khoản nợ công phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội đất nước phải được thực hiện như quản lý ngân sách Nhà nước. Thẩm quyền quyết định vay nợ mang tính chiến lược và dài hạn là thuộc Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm thi hành và thực hiện. Để quản lý nợ công một cách công khai, chặt chẽ, hiệu quả, một số ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét đặt ra một số nguyên tắc như: Ai, cơ quan nào có quyền được vay nợ? Nhà nước phải thực hiện việc quản lý nợ và nơi vay nợ phải chịu sự giám sát về sử dụng nợ vay đúng mục đích, có hiệu quả…
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, làm rõ những khó khăn, hạn chế cũng như những kết quả đạt được về việc quản lý nợ công trong những năm qua, các đại biểu nhất trí với nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ công từ vay, giám sát sử dụng vốn vay đến trả nợ và bảo đảm an toàn nợ theo chiến lược dài hạn và chương trình quản lý nợ trung hạn…
Bùi Diệu