Buổi sáng, tại hội trường, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật quản lý nợ công. Thảo luận về nội dung dự án Luật này, dưới sự điều hành của đồng chí Đinh Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tổ trưởng tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, An Giang, Đồng Tháp và Bến Tre, các đại biểu đều nhất trí với quan điểm việc quản lý nợ công ngày càng quan trọng. Các đại biểu đã đi sâu phân tích tình hình vay nợ nước ngoài và bày tỏ sự lo lắng vì Nhà nước, các cơ quan hữu quan Nhà nước, một số tổ chức kinh tế và xã hội, các doanh nghiệp đã vay nợ nước ngoài quá nhiều. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc dự án Luật tách đối tượng doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật là chưa hợp lý vì doanh nghiệp Nhà nước được tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, cần phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng không đồng tình với quy định UBND cấp tỉnh được quyền vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có nhu cầu cấp bách… Các đại biểu lưu ý việc hình thành, sử dụng và quản lý các khoản nợ công phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội đất nước phải được thực hiện như quản lý ngân sách Nhà nước. Thẩm quyền quyết định vay nợ mang tính chiến lược và dài hạn là thuộc Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm thi hành và thực hiện. Để quản lý nợ công một cách công khai, chặt chẽ, hiệu quả, một số ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét đặt ra một số nguyên tắc như: Ai, cơ quan nào có quyền được vay nợ? Nhà nước phải thực hiện việc quản lý nợ và nơi vay nợ phải chịu sự giám sát về sử dụng nợ vay đúng mục đích, có hiệu quả… Các đại biểu nhất trí với nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ công từ vay, giám sát sử dụng vốn vay đến trả nợ và bảo đảm an toàn nợ theo chiến lược dài hạn và chương trình quản lý nợ trung hạn.
Bùi Diệu