Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, hầu hết các ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành dự luật này nhằm đơn giản hóa các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản. Cùng với việc chỉ rõ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung về năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng, thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng… các đại biểu đã làm rõ hơn nội dung của quy định hiện hành, đề cao việc đơn giản các thủ tục, giảm bớt thời gian trong các khâu thẩm định, phê duyệt. Các ý kiến cũng đề nghị trong dự án Luật nên làm rõ một số khái niệm như "công trình quy mô lớn", "kiến trúc đặc thù" bởi quy định chung chung như vậy thì sẽ phải chờ văn bản hướng dẫn. Như thế, tình trạng chậm thủ tục ở các công trình sẽ tiếp tục kéo dài và chưa có giải pháp để khắc phục sớm.
Đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, luật nhà ở, các đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ vì xuất phát từ thực tiễn đang tồn tại 2 loại giấy: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và do hai đầu mối thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư, trong khi nhà và đất cũng như các tài sản trên đất đều luôn gắn chặt với nhau. Việc thống nhất 2 loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện là nguyện vọng của đông đảo cử tri và đã được thảo luận ở nhiều phiên họp của Quốc hội…
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc theo tổ để thảo luận về dự án Luật dân quân tự vệ. Đồng chí Đinh Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành thảo luận tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu và Đồng Nai.
Theo các đại biểu, những năm qua, đặc biệt từ khi có Pháp lệnh dân quân tự vệ, lực lượng này đã được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về chế độ lương phụ cấp, chế độ huấn luyện, về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia lực lượng này…
Về quy định thời hạn tham gia thực hiện nghĩa vụ, các đại biểu cho rằng nên rút ngắn thời hạn so với quy định hiện hành là 1 năm nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian huấn luyện cần thiết trong thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt là 4 năm nhằm làm cho dân quân tự vệ có trình độ quân sự nhất định, khi đất nước có yêu cầu, sẵn sàng huy động bổ sung cho bộ đội thường trực, chỉ cần huấn luyện bổ sung là đủ khả năng để chiến đấu được ngay.
Một nội dung rất được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận là việc tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp. Các đại biểu đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp có tổ chức đảng đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp thì phải tổ chức lực lượng tự vệ. Doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp, có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương thì được tổ chức lực lượng tự vệ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.
Còn doanh nghiệp chưa có tổ chức tự vệ, do người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí thời gian và kinh phí bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp mình thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ở địa phương nơi họ cư trú…
Bùi Diệu