Đa số các ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí với chủ trương, định hướng, yêu cầu của Đề án, đồng thời tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến cơ cấu, tổ chức của Quốc hội; hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri; bộ máy tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội…
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhất là số lượng Ủy viên Thường trực của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời xác định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội bảo đảm phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, tính thường xuyên và chuyên môn hóa cao của đại biểu.
Bên cạnh đó, phải xác định rõ địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, năng lực của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Trưởng, Phó Đoàn và của đại biểu Quốc hội; xây dựng quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; bố trí thư ký giúp việc cho đại biểu Quốc hội chuyên trách có chuyên môn, nghiệp vụ sâu và bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp...
Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đa số ý kiến đề nghị cần có cơ chế phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ để bàn thảo, lựa chọn, xác định những vấn đề, nội dung cần ưu tiên để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và 5 năm. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, phân tích cụ thể về các chính sách ngay từ khi xây dựng dự thảo luật, các dự án luật phải mang tính ổn định lâu dài, chi tiết, cụ thể hơn để có thể vận dụng ngay vào cuộc sống, hạn chế tối đa các văn bản hướng dẫn luật (đối với điều luật cần ban hành hướng dẫn chi tiết thì yêu cầu phải ban hành ngay để có hiệu lực cùng thời điểm với Luật).
Một số ý kiến cho rằng, Quốc hội cần nghiên cứu đổi mới cách thức thảo luận, cho ý kiến vào các dự án luật theo hướng tại kỳ họp cho ý kiến lần thứ nhất, Quốc hội cần tập trung thảo luận, cho ý kiến, thậm chí có thể biểu quyết thông qua về từng vấn đề lớn (chính sách) của dự án luật, làm cơ sở định hướng rõ ràng cho các cơ quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo giữa 2 kỳ họp, tránh việc thảo luận lại tại kỳ họp sau về các vấn đề đã được thống nhất.
Xung quanh vấn đề đổi mới công tác giám sát, nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo đó, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền của cơ quan giám sát, của đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát; mở rộng đối tượng giám sát, đổi mới cách thức tiến hành giám sát, có cơ chế để huy động các chuyên gia tham gia vào Đoàn giám sát; quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân cũng như các hình thức xử lý, chế tài áp dụng nghiêm khắc đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giám sát khi không thực hiện hoặc chậm thực hiện các kết luận, đề nghị của Đoàn giám sát, không trả lời hoặc chậm trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri... nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.
Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, bảo đảm phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, tăng tính tranh luận, đi sâu phân tích làm rõ vấn đề. Câu hỏi chất vấn nên đi thẳng vào trọng tâm, không diễn giải, cần quy định thời gian chất vấn, chỉ nên nêu một câu hỏi. Ngoài ra nên ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn và xác định trách nhiệm, mốc thời gian để người được chất vấn báo cáo kết quả giải quyết các vấn đề đã hứa hoặc do Quốc hội yêu cầu tại các phiên chất vấn.
Liên quan đến công tác tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc (như qua thư tay, thư điện tử, qua đường dây nóng, qua truyền hình…) và đối thoại giữa đại biểu và cử tri, công khai địa chỉ email của đại biểu Quốc hội, thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong tiếp xúc cử tri.
Bên cạnh đó, có cơ chế để đại biểu Quốc hội tham gia các buổi họp khu dân cư, tổ dân phố để nắm bắt được đầy đủ nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật xuất bản (sửa đổi).
Tin, ảnh: Quốc Khang