Những công trình bỏ trống
Thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập, xã Kim Chính tiếp nhận hơn 1.300 nhân khẩu của xóm 1, xóm 2 và xóm 3 xã Yên Mật cũ về thành xóm 10, xóm 11 và xóm 12, xã Kim Chính. Đồng thời tiếp quản toàn bộ công trình như trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... của xã Yên Mật cũ. Tuy nhiên, năm 2017 xã Kim Chính đã đạt chuẩn nông thôn mới nên hệ thống công trình hạ tầng cũng đã được tập trung đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Vậy nên việc khai thác, sử dụng các công trình của xã Yên Mật cũ cần có phương án cụ thể, phù hợp.
Đồng chí Đỗ Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Kim Chính cho biết: Đối với các công trình xã Kim Chính tiếp quản, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức họp bàn để tìm ra phương án tạm thời. Hiện nay, trường học 3 cấp vẫn đang được sử dụng cho việc giảng dạy như trước đây, các học sinh 5 xóm của Yên Mật cũ vẫn học tập tại các điểm trường. Về nhà văn hóa, xã dự định sử dụng làm nhà đa năng chung cho các trường học. Trạm y tế hiện vẫn tiếp tục mở cửa để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân song đã xuống cấp nghiêm trọng, còn trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã hiện đang bỏ trống.
Còn tại xã Xuân Chính, được thành lập từ việc sáp nhập xã Xuân Thiện và Chính Tâm. Hiện nay, trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuân Chính sử dụng trụ sở của xã Chính Tâm cũ, còn công trình trụ sở và trạm y tế của xã Xuân Thiện cũ đang bỏ trống. Để tránh lãng phí, xã Xuân Chính đã đề ra phương án tạm thời là giao tầng 1 trụ sở xã Xuân Thiện cũ cho lực lượng công an xã, tầng 3 có hội trường nên giao cho một xóm để tận dụng làm điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Riêng tầng 2 của trụ sở, xã chưa tìm ra phương án phù hợp. Ông Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Chính cho biết: Cử tri và nhân dân xã Xuân Chính cũng đã có ý kiến lên cấp ủy, chính quyền địa phương bày tỏ mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm có phương án giải quyết, tránh gây lãng phí.
Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới
Dù có nhiều công trình dư thừa trong thời gian chờ phương án giải quyết của cấp có thẩm quyền, thì các xã sau sắp xếp, sáp nhập vẫn gặp khó khăn trong việc thiếu nhiều hạng mục công trình để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là thiếu nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, cũng như giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đồng chí Đỗ Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Kim Chính dẫn chúng tôi đến khu dân cư xóm 10, xóm 11 và xóm 12 mới sáp nhập về địa phương. Vừa đi ông Trình vừa chia sẻ, trong thời gian qua, xã Kim Chính đã phân bổ kinh phí, cấp xi măng cho nhân dân 3 xóm tu sửa một số đoạn đường dân sinh, nghĩa trang, nâng cấp một số phòng học cho Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở Yên Mật cũ... qua đó nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân. Được biết, xã Kim Chính phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, tuy nhiên sau sáp nhập lại nảy sinh thêm một số khó khăn. Riêng về vấn đề giao thông nông thôn, việc xây dựng đường nối 3 xóm với khu hành chính của xã cần nguồn vốn lớn để thực hiện. Trong khi đó nguồn ngân sách xã khá hạn hẹp, chưa đủ tiềm lực để xây dựng. Cộng thêm khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ Yên Mật chuyển về khiến "khó càng thêm khó".
Không chỉ riêng xã Kim Chính mà xã Như Hòa cũng gặp phải khó khăn tương tự. Đồng chí Vũ Quốc Xương, Chủ tịch UBND xã Như Hòa cho biết: Thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, xã Như Hòa được tiếp nhận xóm 4 và xóm 5 của xã Yên Mật cũ, sáp nhập thành xóm 10 và xóm 11 của xã Như Hòa. Hiện nay, tuyến đường nối từ khu vực trung tâm xã đến 2 xóm đang được tiến hành xây dựng, nhưng tiến độ còn chậm, nhiều đoạn thi công dang dở gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Hệ thống đường giao thông chưa hoàn thiện còn gây khó khăn cho xã Như Hòa trong việc tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt tại 2 xóm kể trên.
Ngoài những khó khăn nêu trên, khoảng thời gian đầu sau sắp xếp, sáp nhập, các xã còn gặp một số vướng mắc như: sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức dư thừa; giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến nhân thân, tài sản của người dân... Đến nay, những vướng mắc này đã được tập trung giải quyết, góp phần tạo lòng tin và ủng hộ của nhân dân các xã. Để tiếp tục giải quyết những khó khăn mà các xã sau sắp xếp, sáp nhập còn đang gặp phải, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành với việc đề ra phương án giải quyết những công trình hạ tầng dư thừa, cũng như quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bài, ảnh: Thái Học