Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" và Kết luận số 37-KL/TƯ của BCH Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở về công tác cán bộ được nâng lên.
Nội dung, phương pháp, quy trình công tác tổ chức cán bộ có đổi mới, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan. Việc tuyển dụng công chức, viên chức, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ.
Từ năm 2010 đến nay, BTV Thành ủy đã bổ nhiệm, điều động bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử 148 đồng chí; điều động theo kế hoạch đối với 108 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các trường THCS, tiểu học, mầm non; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 51 công chức địa chính xây dựng, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, tài chính ngân sách giữa các phường, xã; 24 kế toán giữa các trường tiểu học, THCS thuộc thành phố.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố. Đã chú trọng đưa vào quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ chủ chốt của thành phố. Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố ổn định, phát huy hiệu quả.
Chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng lên và từng bước trẻ hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Thành phố Ninh Bình cũng là đơn vị thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm một số chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thôn, tổ dân phố...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thành phố Ninh Bình là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện đại trà việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý các trường học và công chức xã, phường.
Thành phố Ninh Bình (cùng với huyện Yên Khánh) là địa phương được chọn để thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, cải cách hành chính. Việc thực hiện thí điểm ở các phòng, ban thuộc thành phố và 2 phường bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, đã cơ bản giảm số người làm việc, tăng hiệu quả công tác, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu BTV Thành ủy Ninh Bình cần vận dụng sáng tạo chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tổ chức và cán bộ.
Tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác cán bộ phải kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phục vụ mục tiêu nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Gắn việc đánh giá cán bộ và lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa 11 và khóa 12) về xây dựng Đảng.
Coi trọng việc thể chế, cụ thể hóa quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện phân công, phân cấp một cách hợp lý, đồng thời thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra giám sát. Có cơ chế cụ thể để cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia vào công tác cán bộ, giám sát cán bộ.
Nghị quyết Trung ương 3 khóa 8 nêu rõ 3 tiêu chuẩn của cán bộ thời kỳ đổi mới. Để đạt được những tiêu chuẩn trên, ngoài sự cố gắng của bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác cán bộ. Trong đó cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực công tác.
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về phương pháp tư duy và tầm nhìn chiến lược, nâng cao nhận thức và giải pháp ứng xử, đề phòng, giải quyết các vấn đề mới nảy sinh cho các đối tượng cán bộ dự nguồn cao cấp. Đẩy mạnh cập nhật kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành, các cấp, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín.
Bùi Diệu