Đó là cái tuổi phần lớn là nhìn về phía sau nơi mình đã qua. Trong tập thơ có 43 bài thì tác giả có tới 13 bài viết về ký ức thời chiến tranh, 11 bài viết về làng quê gắn với mẹ, với bạn già, với người cũ, với sông núi quê hương và 4 bài viết về các danh nhân văn hóa. Với Thanh Thản, trong tập thơ này là nỗi nhớ về một thời, cái thời oanh liệt nhất của tuổi trẻ. Thời còn là một chiến binh cầm súng lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ lấy độc lập tự do cho dân tộc, cơm ăn áo mặc cho mọi người, trong đó có bản thân mình.
Bây giờ đất nước thanh bình, anh nhớ về "Ngọn đèn của má Củ Chi", về "Cung đường chín cô", về "Miền Đông gian lao mà anh dũng", về "Tuổi xuân ra trận"... có những câu thơ được hồi ức lại:
"Những năm bảy mươi chúng tôi ra trận
Xẻ dọc Trường Sơn mới biết rừng già
Đêm thăm thẳm dìu nhau vượt dốc
Nghe giục lòng tiếng súng chiến trường xa"
Những kỷ niệm ấy đã lùi lại gần nửa thế kỷ, với tác giả là người trong cuộc, là người từng trải thì không sao quên được, nhất là bây giờ đã vào tuổi có những đêm ít ngủ thì nghĩ, đã nghĩ thì nhớ:
"Đứa quê bên ấy Thái Bình
Đứa quê Hà Bắc, Quảng Ninh, Hải Phòng
Đứa thì quê tít miền trong,
Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Long, Sài Gòn..."
Trong chiến đấu giữa tiếng súng, tiếng bom chỉ biết xông lên, giữa giây phút ai muốn sống thì phải biết lăn vào cái chết, đấy thực sự là một hành động anh hùng. Bởi vậy nhiều người đã "Có những phút làm nên lịch sử" rồi để lại "Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" - thơ Lê Anh Xuân.
Đến bây giờ trở về có thời gian, bình tâm nhớ lại:
"Trăm thằng lính, trăm miền quê
Lạ chưa vẫn những canh khuya đủ đầy
Một thời bom đạn tàu bay
Một thời thương nhớ có ngày nào vơi"
Có người trở về nhưng lại mang theo hậu quả chiến tranh, cuộc sống vật chất cũng như tinh thần dù bù đắp bằng cách nào cũng không thể đầy. Đó là những người thương binh khiếm thị, là những người ở "làng phụ nữ". Thậm chí, tưởng như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ cũng khó, vì tai họa chiến tranh còn theo chân họ vào đến mỗi căn nhà rập rình cướp đi niềm hạnh phúc. "Chất độc da cam" đã "thấm tận xương, tận tủy". Thật là đau lòng khi đọc câu thơ tác giả thấu hiểu nỗi lòng của người cựu chiến binh "Giá ngày ấy xanh cỏ còn hơn". Có là người lính như Thanh Thản, có là người thấm đượm lòng yêu nước đã từng phải trả "học phí" bằng máu thì mới đồng cảm với câu thơ trên của tác giả.
Như trên đã điểm, hơn nửa số lượng bài thơ, hai phần ba số trang sách, tác giả dành cho những chủ đề có tính "ôn cố" như là chiêm nghiệm lại cuộc đời. Đó chính là tấm lòng, có tấm lòng thì mới có thơ. Vậy nên đọc cả tập thơ đã toát lên tấm lòng ấy.
Những bài thơ viết về quê hương, về các danh nhân cũng là nỗi lòng hoặc là tri kỷ với kỷ niệm xưa, hoặc tri ân với tấm gương của những người đã khuất. ở chủ đề này Thanh Thản cũng có những tứ thơ hay tưởng như hồn thơ Nguyễn Bính hiện về:
"Tiếng trống chèo rộn đất trời
Đêm chèo lại nhớ đến người ngày xưa
Bên nhau đứng suốt canh khuya
Tan chèo mới biết mình đi xem chèo".
Riêng câu cuối tôi muốn Thanh Thản đổi thành:
"Tan chèo mới biết mình chưa xem chèo" thì có lẽ sẽ hay hơn.
Thanh Thản là hội viên Hội văn nghệ từ những năm còn hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh (khóa đầu tiên 1977). Thơ anh viết chắc chắn. Tứ thơ như ý tưởng của nhà thiết kế; lời thơ như kỹ nghệ nhà xây dựng. Có người nói nhà thơ là người kỹ sư sắp xếp ngôn từ để thành một bài thơ.
Phần lớn những bài thơ của Thanh Thản tôi nghiệm lại đã chứng minh điều đó; chỉ có điều những ngôi nhà ấy còn mang model cổ kính, mặc dù tác giả đã cố gắng tân thời nhưng chưa được nhiều.
Trong tập thơ vẫn còn bài thơ, câu thơ có vẻ như dễ dãi, chưa được công phu gọt giũa. Đây cũng là cái chưa được của tác giả trong tập thơ này. Ai cũng nói được vậy, song làm được mới thật là khó. Dù sao tập thơ "Hoa lau" cũng là một tập thơ khá chững chạc trình làng của Thanh Thản, người con chính gốc của đất Hoa Lư.
Nguyễn Khắc Thiệu