Thành công từ những mô hình điểm
Yên Sơn là xã được thành phố Tam Điệp chọn để triển khai Đề án "Thí điểm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm". Năm 2016, Phòng Kinh tế thành phố đã thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi một số diện tích đất cấy lúa vụ mùa kém hiệu quả sang nuôi cá vụ theo hướng bán chuyên canh tại HTX nông nghiệp Sơn Tây, xã Yên Sơn.
Ông Đỗ Văn Dũng, thôn Nguyễn, xã Yên Sơn cho biết: Trước đây gia đình tôi chỉ cấy lúa nhưng năng suất không cao, được sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật tôi đã thả 7,7 tạ cá giống trên diện tích 1 ha, chủ yếu là giống cá trắm cỏ và cá chép. Sau 6 tháng nuôi, gia đình tôi đã thu hoạch sản lượng cá đạt 1,8 tấn, doanh thu đạt 72 triệu đồng/ha. Trừ hết các chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng/ha.
Cũng diện tích trên, nếu cấy lúa vụ mùa như các năm trước, năng suất đạt bình quân 40 tạ/ha, người dân không có lãi. Đặc biệt một số năm do ảnh hưởng của sâu bệnh, chuột hại, năng suất chỉ đạt dưới 30 tạ/ha, người dân trồng lúa bị thất thu.
Từ mô hình thí điểm trên, xã Yên Sơn đã khắc phục được tình trạng nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, không gieo cấy vụ mùa. Đặc biệt, sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, diện tích đất cấy lúa là gần 400 ha, chủ yếu ở vụ đông xuân, với năng suất trên 60 tạ/ha.
Đến nay, 100% diện tích cấy lúa ở vụ mùa kém hiệu quả đã chuyển đổi sang sản xuất lúa tái sinh kết hợp nuôi cá vụ. Bước đầu xã xây dựng 2 vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn, đó là: Vùng sản xuất lúa với diện tích 20 ha; vùng lúa tái sinh vụ mùa kết hợp nuôi cá thâm canh là 30 ha; xây dựng mô hình sản xuất rau VietGAP với hệ thống nhà lưới trên diện tích 400 m2. Chuyển đổi 20 ha đất lúa kém hiệu quả sang hình thức canh tác khác đạt hiệu quả cao hơn.
Hiện nay trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác hiệu quả như chăn nuôi bò, dê kết hợp với thả cá và trồng lúa, mang lại thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 33 triệu đồng/năm, giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 70 triệu đồng.
Mặc dù không phải xã thực hiện thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng xã Đông Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ tịch xã Đông Sơn cho biết: Sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, xã duy trì ổn định diện tích 54 ha lúa, 172 ha đào phai; đồng thời, đưa các giống cây ăn quả đã thử nghiệm và đạt hiệu quả như: Thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam ruột vàng, dưa hấu; triển khai thí điểm các mô hình như: Trồng hoa ly, hoa cúc; triển khai thành công mô hình sản xuất rau an toàn trên đất màu với diện tích 0,2 ha; phát triển trang trại nuôi các con nuôi đặc sản như: Gà thả vườn, dê lai bách thảo, hươu, bò, nhím…
Kinh tế phát triển, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 33 triệu đồng/ người/năm, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên và có điều kiện để đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.
Tích cực hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Đánh giá về kết quả triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố Tam Điệp, ông Lê Văn Minh, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp cho biết: Ban chỉ đạo Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Tam Điệp đã triển khai đồng bộ chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng như địa phương, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, qua hơn 2 năm thực hiện đã có những kết quả khả quan.
Trong năm 2016, thành phố đã chuyển đổi 32,53 ha đất cấy lúa sang trồng sen lấy hạt kết hợp với nuôi cá. Lợi nhuận đạt trên 45 triệu đồng/ha; chuyển đổi 448,9 ha cấy lúa mùa sang nuôi cá vụ kết hợp lúa tái sinh, trong đó phường Tân Bình 179 ha , phường Yên Bình 6,9 ha, xã Yên Sơn 263 ha.
Đến nay các hộ đang thu hoạch cá trên đất lúa để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017. Theo đánh giá, hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi đã tăng hơn 2 lần so với cấy lúa.
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Tam Điệp đã ban hành Nghị quyết số 15 về lãnh đạo xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với "Chè xanh Ba Trại" và "Đào phai Tam Điệp" gắn với phát triển du lịch.
Đồng thời, vận động người dân đưa các giống cây có giá trị vào sản xuất, có liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn. Theo đó, đã duy trì hiệu quả 10 làng nghề trồng đào phai với diện tích 172 ha ở xã Đông Sơn cho giá trị thu nhập hàng năm đạt 180 triệu đồng/ha/năm; tập trung thâm canh 175ha chè ở xã Quang Sơn với năng suất cao, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, thành phố định hướng phát triển theo hướng trang trại và gia trại, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần. Thành phố đang định hướng người chăn nuôi trên địa bàn tập trung các con nuôi truyền thống, dễ tiêu thụ. UBND Thành phố đã tích cực tuyên truyền việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi.
Đến nay, 100% các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng kháng sinh sai quy định, chất tạo nạc, chất cấm và các chất không được phép sử dụng trong chăn nuôi. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 605 ha, trong đó diện tích nuôi cá vụ 489,2 ha, diện tích ao hồ 116,5 ha.
Nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, Tam Điệp đã giao các phòng chức năng phối hợp với các xã, phường kiểm tra, rà soát tình hình kinh tế trang trại trên địa bàn, thực hiện việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định của Nhà nước.
Trong năm 2016 đã tiến hành cấp mới và cấp đổi 10 giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ hộ trên địa bàn. Đến nay, toàn thành phố đã có 42 trang trại được cấp Giấy chứng nhận. Các trang trại đều làm ăn hiệu quả, giải quyết việc làm và đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố.
Để tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành phố Tam Điệp định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng vùng, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững theo yêu cầu của thị trường; phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng và khai thác những lợi thế mới từ biến đổi khí hậu của từng vùng, khu vực.
Bên cạnh đó, Tam Điệp từng bước quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thí điểm mô hình, từng bước mở rộng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bằng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm