Những môn thể thao được người dân ưu tiên lựa chọn để tập luyện và thi đấu là cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, quần vợt, thể dục dưỡng sinh và đi bộ. Phong trào thể thao quần chúng ở thành phố Tam Điệp đã có bước chuyển biến tích cực cả về bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần nâng cao sức khỏe, phát triển nguồn lực con người bền vững.
Để phong trào thể thao quần chúng phát triển, thành phố Tam Điệp chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia luyện tập thể thao. Các hoạt động TDTT được tổ chức lồng ghép với các lễ hội, du lịch và phong trào xây dựng nếp sống văn hóa công sở.
Những năm gần đây, các xã, phường trên địa bàn thành phố chú trọng quy hoạch diện tích đất cũng như việc xây dựng các thiết chế thể thao, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và khoa học. Nhiều địa phương đã huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện.
Nhiều gia đình tự bỏ tiền làm sân chơi, mua sắm các dụng cụ phục vụ cho tập luyện TDTT hàng ngày. Hiện nay, 9/9 xã, phường có nhà văn hóa; 100% khu dân cư có nhà văn hóa, trong đó nhiều nhà văn hóa có sân chơi với diện tích tối thiểu đạt 100 m2.
Toàn thành phố có 371 sân chơi, bãi tập và bể bơi các loại. Ngoài ra, để có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển TDTT, thành phố Tam Điệp đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư với phương châm xã hội hóa.
Hiện nay, thành phố đã quy hoạch khu liên hợp TDTT và đã thu hút được doanh nghiệp Mai Miên đầu tư với tổng giá trị trên 30 tỷ đồng; doanh nghiệp tư nhân Tiến Dũng hiện đang đầu tư xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo tại Công viên cây xanh của thành phố... 100% xã, phường có quy hoạch đất dành cho thể thao và điểm vui chơi cho trẻ em, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cũng như các hoạt động luyện tập thể thao.
Cùng với đó, nhằm khích lệ phong trào tập luyện TDTT quần chúng, hàng năm, thành phố Tam Điệp đã tổ chức hàng chục giải thể thao ở cơ sở và cấp thành phố với các môn thi đấu: Việt dã, cầu lông, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, quần vợt, cờ tướng... thu hút đông đảo nhân dân tham gia và 100% giải đều được xã hội hóa.
Điều đáng nói là hiện nay, ở các thôn, khu dân cư, các giải thể thao không chỉ chờ đến dịp Tết, các ngày lễ lớn mới được tổ chức mà ngay cả trong những ngày hội làng cũng diễn ra các giải thể thao cấp thôn, xóm, trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đông đảo người dân.
Qua các giải thể thao quy mô cấp cơ sở đã tạo sân chơi giao lưu bổ ích giữa các tầng lớp nhân dân, xây dựng tình đoàn kết xóm làng, khu phố, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội. Những môn thể thao truyền thống từng bước được khôi phục và được nhiều người ưa thích như: bóng đá, bóng chuyền, cờ vua, võ, vật…
Phong trào TDTT buổi sáng, đi bộ buổi tối, luyện tập bóng đá, bóng truyền, tennis, thể dục dưỡng sinh, võ thuật... trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của nhiều người. Các CLB thể thao đã được hình thành như: CLB bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, CLB dưỡng sinh..., thu hút và tập hợp hàng trăm hội viên.
Phong trào TDTT trong các trường học ở thành phố Tam Điệp những năm gần đây tiếp tục có bước phát triển với 100% số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa. 100% trường phổ thông có câu lạc bộ thể dục, thể thao và có đủ giáo viên hướng dẫn viên thể dục, thể thao.
Nhờ vậy, chất lượng giáo dục thể chất trong các trường học được nâng lên. Năm 2016, qua kiểm tra, số học sinh được đánh giá xếp loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt trên 90%.
Phát triển TDTT quần chúng rộng rãi đã tạo điều kiện để thành phố Tam Điệp phát hiện và tuyển chọn được những tài năng thể thao tiêu biểu trong phong trào để bồi dưỡng, tham gia thi đấu và giành thành tích cao tại các giải của tỉnh.
Từ kết quả của phong trào thể thao quần chúng và sức thu hút của các CLB đã khơi dậy tinh thần tự giác, nhiệt tình và đam mê luyện tập TDTT, rèn luyện sức khỏe của nhiều người, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Đến nay, thành phố Tam Điệp có 19,5% hộ được công nhận "gia đình thể thao", tăng 2,5% so với năm 2012; 25% dân số tham gia luyện tập thể thao thường xuyên (tăng 3%). Năm 2016, thành phố có 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 70% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa.
Mai Lan